Kéo dài khoảng 10 ngày liên tiếp, Hát bội 101 là khóa nhập môn dành cho khán giả mong muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật hát bội một cách bài bản. Đáng chú ý, cả ban tổ chức điều hành lớp học lẫn những học viên tham gia, đều ở độ tuổi rất trẻ. Học viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng... Đây là tín hiệu đáng mừng khi hát bội đang đứng trước nguy cơ dần mai một.
Với mong muốn thế hệ Z (sinh từ năm 1995 đến 2010) trở thành những công dân toàn cầu nhưng vẫn có những hiểu biết nhất định về bản sắc dân tộc, nhất là những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, một nhóm những bạn trẻ yêu vốn cũ đã cùng nhau gầy dựng nên Cultura Fish - Hiếu Văn Ngư. Khóa học Hát bội 101 là một trong những hoạt động mà nhóm đang tích cực thực hiện. Mục tiêu lớp học hướng đến giúp học viên có được những kiến thức căn bản về hát bội như lịch sử, đặc điểm, tinh thần chủ đạo. “Các học viên tham gia lớp học sẽ có kiến thức, kỹ năng của khán giả để tự tin thưởng thức hát bội với tinh thần cởi mở”, chị Lục Phạm Quỳnh Nhi, đại diện của Hiếu Văn Ngư chia sẻ.
Tham gia lớp học trong những ngày qua, Trương Hà Anh Vũ cảm thấy quyết định vào Nam học hát bội của mình là đúng đắn. “Điều tâm đắc đến lúc này là Vũ được tìm hiểu kỹ hơn về chữ nghĩa trong hát bội, đó là văn chương và kịch bản. Thì ra mình từng học về văn biền ngẫu hồi cấp hai mà hồi đó không chú ý”, Vũ hào hứng bày tỏ. Nội dung về chữ nghĩa trong hát bội được giảng dạy bởi nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm - người có thời gian dài nghiên cứu, từng công bố nhiều tham luận, bài báo về các loại hình sân khấu truyền thống miền Nam như hát bội, cải lương.
Cùng với các bạn tham gia khóa học, Trương Hà Anh Vũ cũng đang chờ đợi các buổi học tới sẽ được tìm hiểu về âm nhạc trong hát bội cũng như về y phục của các nhân vật điển hình, đặc biệt là hoạt động hóa trang thành các nhân vật trong hát bội với sự hỗ trợ tích cực của NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng đoàn Nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh.