Diễn đàn Dạy con trong thời đại số

Khoa học - công nghệ tạo điều kiện cho trẻ em rèn luyện năng lực

LTS: Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, diễn đàn về “Dạy con trong thời đại số” của Báo SGGP xin giới thiệu với bạn đọc ý kiến của GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM, chia sẻ cảm nhận về những yêu cầu, năng lực và đức tính cơ bản, cốt lõi cần rèn dạy sớm cho trẻ với sự hỗ trợ của công nghệ và thế giới số; cùng một số ý kiến của thầy, cô giáo xung quanh vấn đề này.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ kế tiếp với trí tuệ nhân tạo (AI) là cuộc cách mạng kết nối thông minh và tăng cường trí tuệ cho nhân loại trong cuộc chạy đua ngày càng quyết liệt giữa giáo dục và thảm họa. Nhiều nhà giáo dục đã nêu rõ vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em những năm đầu đời trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, việc giáo dục các cháu nhỏ trong thời đại số không chỉ đơn giản là tạo điều kiện tiếp cận sớm các thiết bị và kỹ năng số. 

Dạy con theo kiểu nào?

Năm 2011,  giáo sư Ami Chua - người  Mỹ gốc Hoa đã viết cuốn sách Khúc chiến ca của mẹ Hổ gây bão dư luận về cách dạy 2 con của bà để được vào học Đại học Harvard và tốt nghiệp xuất sắc; sau này được gọi là cách dạy con của mẹ Hổ (bà Ami Chua sinh năm 1962 Nhâm Dần, cầm tinh con hổ). Cách dạy này theo kiểu độc đoán (Baumrind - 1971), định hình, kiểm soát và đánh giá con theo chuẩn mực tuyệt đối của cha mẹ (lên thời gian biểu đặc kín cả ngày các môn học phải rèn luyện; cấm đoán nhiều hoạt động vui chơi, giao tiếp; trách mắng, trừng phạt nếu con không đạt kết quả cao...).

Ở Việt Nam cũng có nhiều bậc phụ huynh dạy con theo kiểu mẹ Hổ. Áp lực thành tích mà cha mẹ kỳ vọng cùng sự rèn luyện quá khắc nghiệt đã trở thành nỗi ám ảnh, căng thẳng đối với những đứa trẻ, rồi dẫn đến quá mệt mỏi không thể tiếp tục được lộ trình mà cha mẹ đặt ra. 

Khoa học - công nghệ tạo điều kiện cho trẻ em rèn luyện năng lực ảnh 1 Sân chơi có tính cộng đồng không thể thiếu sau khi các trẻ nhỏ được học và xem trên các chương trình học kỹ thuật số. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối lập với cách dạy con kiểu mẹ Hổ, các bà mẹ phương Tây lại thường theo cách dạy “mẹ Sói” - không quá bao bọc, thả lỏng và cho con tự chủ sớm (tương tự như cách Sói mẹ “dạy” Sói con chủ động khám phá và hội nhập cuộc sống thiên nhiên hoang dã).

Nghiên cứu của TS Rebecca (Đại học Nanyang, Singapore, 2006) cho thấy trẻ được dạy theo cách này sẽ có sự tự tin và thích ứng tốt hơn với cuộc sống; nhưng cách dạy này cũng khiến trẻ dễ có xu hướng vô kỷ luật do tính độc lập, tự do hành động được phát triển sớm.

Còn GS Alison Gopnik (Đại học Berkeley - Califonia, Mỹ) đã đưa ra 2 hình mẫu cha mẹ dạy con kiểu “Thợ mộc” và “Người làm vườn” trong cuốn sách The Gardener and The Carpenter (2016). Cha mẹ “Thợ mộc” sẽ “đẽo gọt” để tạo nên và định hình đứa con mà mình mong muốn. Trẻ ít được lắng nghe và không được sống theo sở thích. Cha mẹ “Người làm vườn” sẽ thường xuyên chăm sóc, vun tưới... tạo điều kiện cho con phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, để con phát triển theo bản năng tự nhiên mà không kiểm soát rất có thể sẽ phát triển lệch lạc.

Không thể nói cách dạy nào là tốt hơn, ưu việt hơn. Nếu có thể, cha mẹ hãy tạo mọi điều kiện cho con phát triển, chấp nhận đam mê, cá tính của con như người làm vườn hay mẹ Sói, nhưng cũng phải có phần nghiêm khắc và rèn giũa con như mẹ Hổ, như người thợ mộc.

3 năng lực chính

Phân tích dữ liệu về những người thành tài nổi tiếng gần đây đã cho thấy vai trò rất quan trọng của 3 năng lực:

-Năng lực tự học: khả năng tìm kiếm, cập nhật thông tin - tri thức, học hỏi mọi lúc, mọi nơi... là tiền đề cho sáng tạo. Bước đi đầu tiên là tạo thói quen cho trẻ ngay từ mẫu giáo thích đọc sách, tự chọn sách đọc phù hợp qua những dịp vào hiệu sách cuối tuần cùng cha mẹ.

-Năng lực sáng tạo: khả năng tư duy phát triển các ý tưởng mới, giải pháp mới cùng khả năng xử lý, giải quyết vấn đề sáng tạo. Các nhà giáo dục đánh giá năng lực này là quan trọng nhất và đã tập trung vào nghiên cứu phát triển các phương pháp nâng cao năng lực sáng tạo của con người. Bước đi đầu tiên là khuyến khích trẻ thích đố vui từ dễ đến khó, thích hỏi, thích vẽ, thích tưởng tượng và ước mơ. 

-Năng lực kết nối: khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, tạo dựng các quan hệ online, offline hỗ trợ tích cực cho công việc và cuộc sống. Bước đi đầu tiên là cổ vũ trẻ thích ca hát, thích chuyện vui, thích làm quen... để giúp lôi cuốn, kết nối ban đầu.

Kết quả nghiên cứu của một chương trình tiến hành trong 75 năm (1938-2013) của Đại học Harvard đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của các quan hệ tốt đẹp giúp cho thành công và hạnh phúc. Năng lực này sẽ giúp tăng cường, mở rộng kết nối sáng tạo và triển khai các hoạt động sáng tạo vào thực tiễn. Sáng tạo mà không kết nối sẽ chỉ là sáng tạo.

Nhờ kết nối, Sáng tạo mới có cơ hội thành Đổi mới! Có nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, sắp tới năng lực này sẽ là thành tố tác động nhiều nhất vào sự thành công của mỗi người trong thời đại số. 

Các thành tựu của cách mạng khoa học -  công nghệ đã và đang tạo môi trường, điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc rèn luyện các năng lực trên cho trẻ em ngay từ mẫu giáo, tiểu học và tiếp tục tăng cường ở các bậc học cao hơn cho đến suốt đời.  

EQ quan trọng hơn IQ!

Khoa học tâm lý giáo dục đã đề ra các chỉ số đo lường, đánh giá các phẩm chất, năng lực dẫn đến thành công của con người, mà 2 chỉ số được quan tâm nhất là chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) và chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient). Phân tích dữ liệu những người thành công cho thấy vai trò của EQ đến 80%. 

Có 3 thành tố gốc tạo nên cảm xúc tích cực:

-Trung thực là phẩm chất đạo đức, nhân cách luôn được đề cao hàng đầu trong lịch sử phát triển của xã hội. Cha mẹ phải rèn trẻ không nói dối ngay từ khi có ý thức.

-Tự tin là thành tố tạo nghị lực, động lực giúp trẻ lạc quan, vượt khó và dần hình thành bản lĩnh tự chủ, tự lập để phát triển trong cuộc sống tương lai. Cha mẹ, ông bà đừng quá bao bọc, nuông chiều mà nên giúp bé tự tin ngay từ những bước tự đi lẫm chẫm đầu tiên, tự xúc những muỗng cơm đầu tiên, nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên, câu nói bập bẹ và tiếng hát líu lo đầu tiên..

-Lòng biết ơn là thành tố cốt lõi nhất tạo nên phẩm chất tốt đẹp của con người. Người biết ơn sẽ biết quý trọng những gì mình có và những người đã mang  lại những điều tốt đẹp cho mình. Người biết ơn sẽ sống khoan hòa, nhân hậu, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, gần đây nhiều phân tích dữ liệu cho thấy lòng biết ơn đã giảm sút nhiều ở mọi phạm vi và cấp độ đáng báo động! Nhiều thảm họa thiên nhiên và xung đột từ trong gia đình đến ngoài xã hội, kể cả các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia..., phần nhiều cũng do sự vô ơn của con người với thiên nhiên, với quá khứ lịch sử và chính con người với nhau. 

Trung thực, tự tin và lòng biết ơn là những đức tính quan trọng nhất của con người ở mọi thời đại. Nếu những đức tính này được giáo dục từ nhỏ và phải được giáo dục từ nhỏ thì sẽ là hành trang tinh thần vô giá, cùng với 3 năng lực tự học, sáng tạo và kết nối được rèn luyện nâng cao không ngừng trong thời đại số sẽ giúp con cháu chúng ta nên người, thành công và hạnh phúc trong kỷ nguyên mới!

Cô DIỄM THÚY, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM: Hợp tác chặt chẽ với nhà trường

Nhớ khi còn đi học, chúng tôi rất mong mỏi được nghỉ hè. Còn gì vui hơn khi hè đến. Gia đình sẽ đưa anh em chúng tôi về quê, chúng tôi được tự do chơi… Các cháu bây giờ ít sôi nổi hơn hồi xưa. Hè về, các bậc cha mẹ bắt đầu tính toán cho con học thêm kỹ năng gì, mặc dù không biết con có thích hay không.

Hiện nay, có nhiều phụ huynh quan tâm, quản lý con em nhiều quá. Nhiều lúc quan tâm quá lại thành ra lơi lỏng. Nhiều người còn có tư tưởng xem con mình như trò giỏi, con ngoan; nhưng thực tế không được như vậy. Ở nhà thì vẫn lấy bài tập ra làm, đem bài ra học, nhưng bên dưới các trang sách, quyển vở lại là điện thoại di động. Có cháu ở nhà thì ngoan, nhưng vào lớp lại hay chọc ghẹo, đánh bạn. Khi trẻ bị trầy xước thì các bậc phụ huynh đùng đùng đến trường đòi gặp thầy, cô giáo hoặc đưa vụ việc lên mạng xã hội. Khi con vi phạm kỷ luật, được nhà trường mời vào thì lớn tiếng hạch sách, bênh vực con chằm chặp.  

Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em của mình nhiều hơn và hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Khi có sự việc gì thì cùng nhau bàn bạc trên tinh thần xây dựng, cảm thông!

Cô NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN, Quản lý Trường Mầm non tư thục Tuổi thần tiên phường Thạnh Xuân, quận 12: Thưởng, phạt nghiêm minh

Thời đại số, cũng như bao nhiêu bậc phụ huynh khác, ngoài việc chơi, học cùng con, vợ chồng tôi buộc lòng phải cho các con sử dụng thiết bị di động, tivi… để mình rảnh tay làm việc nhà.

Tuy nhiên, vợ chồng tôi bàn bạc với nhau rất kỹ về việc khống chế thời gian để các con tiếp cận tivi, thiết bị di động có chừng mực, và có chế độ thưởng phạt rất nghiêm minh. Mỗi ngày, “2 cu con” chỉ được chơi 3 lần. Mỗi lần kéo dài 20 phút. Cứ gần hết giờ chơi game, vợ chồng tôi buộc 2 con đi quét nhà, phơi đồ, nhặt rau…

Mặc dù vẫn còn nhiều sơ sót, như nhà chưa sạch, rau chưa sạch, quần áo chưa ngăn nắp… nhưng những việc làm đó đã chiếm một lượng thời gian nhất định. Xong việc, vợ chồng tôi tổ chức nghiệm thu. Tốt thì thưởng thời gian chơi game thêm vài phút, còn ngược lại thì bị trừ vào thời gian đã quy định. Sau khi “tiếp cận” với thiết bị di động thì các con phải “tiếp xúc” với kỹ năng, học hành, như học cửu chương, làm toán, tập đọc, xếp logo, tô màu… 

Tôi là giáo viên mầm non nên có điều kiện và dễ dàng gần gũi, tổ chức cho con chơi và chơi cùng con. Hy vọng các bậc phụ huynh khác cũng sẽ dành thêm thời gian chăm sóc và chơi cùng các con! 

ĐOÀN HIỆP ghi

Tin cùng chuyên mục