Khoa học - công nghệ là động lực thúc đẩy TPHCM bứt phá

Thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thời gian qua, hoạt động KH-CN của TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Phát triển kinh tế công nghiệp công nghệ cao

Những ngày mưa lớn hoặc triều cường, người dân TP Thủ Đức (TPHCM) liên tục nhận được cảnh báo từ kênh thông tin chính thức của TP Thủ Đức và các phường về các điểm mực nước dâng có nguy cơ gây ngập. Từ thông tin này, người dân chủ động tìm lộ trình lưu thông phù hợp hoặc kê cao hàng hóa, thiết bị gia dụng tránh ngập nước. Có được những thông tin cảnh báo trên là nhờ cảm biến áp suất sử dụng màng silicon carbide cảnh báo ngập được lắp đặt tại 23 vị trí thường xuyên ngập nước ở TP Thủ Đức. Cảm biến do Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) phát triển.

Hệ thống cảnh báo chống ngập do Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TPHCM phát triển. Ảnh: THU HƯỜNG

Hệ thống cảnh báo chống ngập do Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TPHCM phát triển. Ảnh: THU HƯỜNG

Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP, đây là một trong những giải pháp giúp TPHCM thông tin việc ngập, vùng ngập, vị trí ngập cho người dân tham gia giao thông trong thời gian chờ hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Cảm biến có giá thành chỉ bằng 1/10 giá nhập khẩu từ nước ngoài nhưng tính năng không thua kém. Ngoài TP Thủ Đức, cảm biến còn được lắp đặt ở 3 vị trí đo triều cường tại quận 8, 12 và trạm Phú An, 17 vị trí khác tại huyện Nhà Bè. Cảm biến chỉ là một trong hàng ngàn nghiên cứu về KH-CN được ra đời từ cái nôi SHTP, đã và đang được TPHCM ứng dụng vào thực tiễn.

Có thể nói, với định hướng của Nghị quyết 20, những năm qua, TPHCM đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các đơn vị trực thuộc SHTP. Đến nay, các đơn vị được đầu tư đã khai thác hiệu quả các thiết bị, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với vị thế là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM, SHTP đã thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ đầu tư sản xuất công nghệ cao. Trong đó có các công ty uy tín thế giới như Intel, Nidec, Microchip, Samsung... đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM.

Trong khi đó, tọa lạc ở quận 12, Công viên phần mềm Quang Trung không chỉ góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM mà trở thành mô hình kiểu mẫu của cả nước về đầu tư, thu hút hạ tầng phần mềm, công nghệ thông tin (CNTT), cũng như mô hình hiệu quả về phát triển công nghệ cao, dịch vụ CNTT. Từ năm 2016, TPHCM có chủ trương phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung nhằm tạo nên một sức mạnh tổng thể để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư ngành CNTT.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM được đánh giá là đã tác động mạnh mẽ đến nền nông nghiệp thành phố. Đến nay, nơi đây đã xây dựng được hơn 60 mô hình ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao hơn 45 quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. TPHCM còn có Trung tâm Công nghệ sinh học; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo; Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM…

TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Theo đó, đóng góp năng suất của các nhân tố tổng hợp vào GRDP của thành phố đạt từ 45% trở lên. Trong đó, TPHCM xác định tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố thuộc nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, hỗ trợ ít nhất 2 tổ chức KH-CN tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 35% trong tổng số doanh nghiệp…

Chuyển biến từ thực tế

Trước năm 2020, Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo) đã nhập các máy in thế hệ mới từ Nhật. Lúc đó, công ty đã cử nhân viên sang Nhật tập huấn cách vận hành và kỹ năng quản lý máy nên khi thiết bị về đến công ty đã phát huy ngay hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty CP In số 7, ngành in đòi hỏi đơn vị phải luôn bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cải tiến mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, từ nhiều năm nay, công ty luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và thực hiện công tác đào tạo nhân viên để đáp ứng kịp xu thế phát triển. Bên cạnh đó, phong trào phát huy cải tiến, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất luôn được chú trọng. Chính nhờ các hoạt động hỗ trợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết 20, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cũng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, trọng tâm là CNTT trong cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn tại sở. Theo đó, sở đã hoàn thành việc tạo lập cơ sở dữ liệu sổ hộ tịch của toàn thành phố và thí điểm khai thác, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch cho người dân. Cụ thể, có hơn 11.722.338 hồ sơ được số hóa, trong đó có 11.138.909 hồ sơ đủ điều kiện chuyển chính thức lên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Đến nay, Sở Tư pháp TPHCM đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp 10.783.959 hồ sơ (đạt 97%). Ngoài ra, sở còn vận hành Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật đăng tải hơn 1.000 tin, bài phổ biến pháp luật, đề cương, bài giảng, video clip và tài liệu tuyên truyền pháp luật; xây dựng chương trình sách nói pháp luật điện tử; cập nhật và số hóa được 4.000 văn bản.

Hiện nay, Sở Tư pháp tập trung xây dựng, thí điểm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính; ứng dụng mã QR trong cấp, sử dụng các loại giấy tờ hộ tịch; đề án triển khai thực hiện quy định về hình thức đấu giá trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, số hóa thông tin lý lịch tư pháp về án tích, vi bằng...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM DƯƠNG ANH ĐỨC:

Giải bài toán phát triển siêu đô thị

KH-CN đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết, tháo gỡ các bài toán quan trọng trong phát triển siêu đô thị như TPHCM trên các lĩnh vực. Với chủ đề năm 2023, một trong những trọng tâm mà thành phố quan tâm là việc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân. Điều đó đặt ra yêu cầu thành phố cần có giải pháp tiềm năng, trực tiếp đưa vào ứng dụng cũng như sớm biến KH-CN trở thành công cụ hiệu quả trong điều hành hệ thống chính quyền, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM NGUYỄN VIỆT DŨNG:

Động lực phát triển TPHCM

Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Các thành tựu của KH-CN được ứng dụng trong mọi mặt đời sống từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ thương mại, cải cách hành chính…

Thời gian tới, Sở KH-CN tham mưu UBND TPHCM nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách về hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đào tạo và phát huy nguồn nhân lực KH-CN phục vụ phát triển thành phố cũng như thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng của thành phố nhằm liên kết các trường, viện với doanh nghiệp phục vụ giải quyết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục