Bên lề hội thảo khoa học quốc tế diễn ra ngày 9-5, GS Gerard ‘t Hooft, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999 cho biết, ông sang Việt Nam lần này là để chia sẻ về sự quan trọng của khoa học nói chung, vật lý nói riêng đối với sự phát triển của cộng đồng, nhất là cho các bạn trẻ, để họ hiểu về sự phát triển của ngành khoa học, giáo dục, cộng đồng chứ không phải để nói về vật lý chuyên ngành.
- Phóng viên: Ấn tượng của ông đối với các bạn trẻ Việt Nam?
>> GS Gerard ‘t Hooft : Tôi đã từng sang Việt Nam năm 2017. Lần này tôi đã đến làng trẻ SOS trước khi đến hội thảo này. Tôi ấn tượng với cách giáo dục tốt dành cho các em ở đó. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với sinh viên Việt Nam, nhưng qua một số cuộc tiếp xúc tôi thấy họ nhiệt tình, họ cần được đi ra ngoài nhiều hơn để hiểu biết thêm về cuộc sống ngoài Việt Nam.
- Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân đứng đầu đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế như thế này suốt 25 năm qua. Ông đánh giá như thế nào với những hội nghị khoa học quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam?
Chuyên môn của tôi là về khoa học vật lý thiên văn, vũ trụ. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của GS Trần Thanh Vân đối với sự phát triển của khoa học Việt Nam. Các bạn cần phát huy điều đó, cần tạo thêm những cơ hội gặp gỡ như vậy, đó là cơ hội tốt cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nắm bắt các vấn đề liên quan.
Tôi cảm nhận sâu sắc rằng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển khoa học và đó là tiền đề tốt để khoa học phát triển.
Khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tôi cho rằng các bạn cần có nhiều hơn những cuộc thảo luận quốc tế như thế này, để bàn thảo nhiều vấn đề về phát triển khoa học, bao gồm cả những vấn đề khoa học với xã hội.
- Chính sách để phát triển khoa học theo ông quan trọng ra sao? Nhất là chính sách để khuyến khích các bạn trẻ làm khoa học?
Các nhà khoa học có thể không tham gia vào xây dựng chính sách về khoa học, nhưng họ rõ ràng rất mong muốn có chính sách để phát triển khoa học, nhất là việc xây dựng chính sách để khích lệ nghiên cứu khoa học trong thế hệ trẻ, đó là điều rất quan trọng mà các quốc gia cần quan tâm.
Giống như một con chim sải cánh ngoài biển khoa học bao la, nếu nó không có được sự khởi đầu sớm thì sẽ không thể bay cao, bay xa được. Một người nếu được khích lệ, đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học từ sớm thì chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.
- Việt Nam có ngày khoa học công nghệ, ông có ấn thấy ấn tượng không?
Tôi nghĩ rất tốt khi một quốc gia có ngày khoa học công nghệ. Ngày đó sẽ giúp xác định mục tiêu phát triển tốt hơn cũng như thu hút sự quan tâm của công chúng đối với khoa học công nghệ.