Trên trang cá nhân, chị Thu Thảo, một giáo viên tiếng Anh chia sẻ về một khóa học miễn phí trong vòng 4 tháng. Người đứng lớp khóa học này là một chàng trai đã có 2 năm tự rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh, giờ rất thành thục chia sẻ lại những kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được.
Mỗi học viên trước khi tham gia khóa học sẽ “đặt cọc” 2,4 triệu đồng. Mỗi buổi không học, mỗi tuần làm bài tập không đủ sẽ bị mất 150.000 đồng trong quỹ tiền cọc. Ai không hoàn thành được 70% khóa học sẽ mất cọc. Ngược lại, tham gia trên 70% khóa học sẽ được hoàn phí.
Hình thức tổ chức các khóa học 0 đồng nhưng áp dụng hình thức đặt cọc này hiện nay khá phổ biến. Khóa học thiền như đề cập ở trên nhận đặt cọc 1 triệu đồng. Tất cả người khởi xướng khóa học đều cam kết sẽ hoàn lại tiền nếu đáp ứng đủ các tiêu chí trong bản đăng ký đã được gửi trước đó. Tất cả các thông tin đều minh bạch, công khai.
Ngoài học tiếng Anh, còn có các khóa học về yoga, nuôi dạy con cái… Thời gian các khóa học cũng có độ dài, ngắn khác nhau, theo nội dung của mỗi môn học. Nhiều người đứng lớp các khóa học này không sử dụng từ “phạt”. Bởi mục đích của việc đặt cọc này nhằm đảm bảo kỷ luật cho cả học viên, giáo viên.
Dù là học miễn phí nhưng các khóa học cũng đảm bảo sự cam kết đến từ cả hai phía. Phía người hỗ trợ sẽ cùng đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn các phương pháp luyện tập đúng nhất. Từ phía người đăng ký học phải cam kết tham gia với thái độ cởi mở, thoải mái; tuân thủ các quy định từng lớp học và đặc biệt luôn cầu thị.
Trên thực tế, khi nghe hay được chia sẻ về các khóa học 0 đồng, nhiều người hào hứng tham gia bởi tâm lý được học miễn phí. Rất nhiều người tò mò với hình thức học tập mới mẻ này. Và cũng không ít trường hợp đăng ký rồi mặc kệ hoặc tham gia hời hợt. Điều này vô hình chung làm tốn thời gian của chính người đăng ký, giáo viên hướng dẫn cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội tham gia của người khác.
Khi quyết định đăng ký tham gia các khóa học miễn phí, chấp hành tốt về mặt kỷ luật, có nghĩa là bạn đã thu nhận về cho mình đầy đủ giá trị mà người giảng dạy muốn hướng đến. Đó là giá trị của sự cho - nhận. Bởi, người cho đi luôn mong muốn người nhận lại biết trân trọng những kiến thức ấy.