Viện Kinh tế sinh thái thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ vừa hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên về kỹ thuật khai thác tơ sen từ cọng lá sen và hoa sen để dệt lụa cao cấp xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu trong nước, với 21 học viên được tuyển chọn từ các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang (những nơi có tiềm năng trồng sen ở Đồng bằng sông Cửu Long). Khóa đào tạo kéo dài 8 ngày (từ 21 đến 28-7), được tổ chức tại “thủ phủ sen” xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Sau khóa học, các học viên được đào tạo sẽ là những người trực tiếp hướng dẫn, truyền nghề thủ công về tơ sen, cách lựa chọn cọng sen, kỹ thuật miết ra sợi tơ từ cọng lá sen và hoa sen cho nông dân trong vùng. Đây là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện dự án cấp nhà nước của Viện Kinh tế sinh thái (tên giao dịch quốc tế là ECO), do Tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Chuyên (Giám đốc ECO) làm chủ nhiệm, đã được triển khai trên 10 năm qua.
Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết, hiện huyện Tháp Mười có trên 200ha sen mọc tự nhiên và được trồng. Huyện đang triển khai mở rộng diện tích trồng sen lên trên 300ha để tạo vùng nguyên liệu khai thác tơ sen dệt lụa.