Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ban ngành, quận huyện đẩy mạnh triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng xả chất thải nơi công cộng. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận từ các quận huyện cho thấy, việc triển khai xử phạt hành vi xả chất thải vẫn còn nhiều bất cập.
Tính theo diện tích tự nhiên, TPHCM hiện có hơn 2 triệu km². Đây là đô thị đặc biệt, đông dân nhất với gần 13 triệu người sinh sống. Chỉ tính trung bình cứ trên 1 km² thì có 4.773 người dân sinh sống, gấp 17 lần bình quân của cả nước.
Trong khi đó, tại các quận huyện trên địa bàn thành phố gần như không có cán bộ chuyên trách về môi trường hoặc có cũng là kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên không thể thường trực để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm môi trường mà cụ thể xả rác ra khu vực công cộng.
Đại diện UBND quận Tân Phú cho biết, lực lượng kiểm tra của địa phương còn mỏng, không có cán bộ chuyên trách và xử lý tức thời ngoài hiện trường. Hơn nữa, do mức phạt tiền của hành vi xả rác, nước thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước trong khu đô thị (Điểm d Khoản 1 Điều 20) được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND cấp quận huyện nên từ thời điểm phát hiện vi phạm đến lúc lập biên bản vi phạm và chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt là quá dài và phức tạp.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, trong tổng số 40 hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng (xả thải; bỏ đầu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; vứt rác, thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị; vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…) được quy định tại Điều 20 rất khó thực hiện. Nguyên nhân do hành vi diễn ra nhanh, tức thời, khó phát hiện vi phạm. Mức phạt tiền cao so với thu nhập bình quân và hiện việc quản lý thu nhập không có tài khoản cá nhân nên việc xử phạt và nộp tiền phạt khó khăn.
Không dừng lại đó, hiện nay trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường tại các công trình nhà chung cư cũng chưa thực hiện được. Bởi theo quy định, đối tượng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư công trình nhà chung cư sau khi hoàn tất xây dựng, bàn giao việc quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải cho Ban Quản trị nhà chung cư (do các hộ dân đề cử). Do vậy, nếu có hành vi vi phạm thì không xác định được đối tượng để lập biên bản xử lý vi phạm.
Về công tác cưỡng chế đối tượng có hành vi vi phạm môi trường theo quy định hiện hành, chủ yếu chỉ tập trung về tài chính như khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản. Các đối tượng vi phạm thường chấp hành nộp tiền phạt nhưng lại không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải...) hoặc đối với hình thức phạt bổ sung (tạm đình chỉ hoạt động). Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại chưa có quy định biện pháp cưỡng chế (như không cho sử dụng điện, nước) với những đối tượng vi phạm, dẫn đến việc xử lý vi phạm kéo dài.
Mặt khác, với hành vi đổ thải bùn thải nạo vét từ công trình xây dựng không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường thì Nghị định 155 không có quy định về mức phạt. Về kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cấp cho các quận huyện còn thấp, chưa đảm bảo kinh phí hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Do vậy, nếu không có sự điều chỉnh đồng bộ về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì việc xử phạt đối với các hành vi này trong thực tế là không khả thi.