Quy hoạch hơn 20 năm vẫn là bãi đất hoang
Tại phường Tam Phú (TP Thủ Đức), dự án Công viên văn hóa - thể dục thể thao đã có chủ trương quy hoạch từ trước năm 2000, nhưng dùng dằng mãi đến năm 2008 mới được công bố. Tại Quyết định số 1622/2008 ngày 20-8-2008 của UBND quận Thủ Đức (cũ) về phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu Công viên văn hóa - thể dục thể thao phường Tam Phú nêu rõ, cần xây dựng công viên văn hóa phục vụ sinh hoạt, giải trí cho đông đảo người dân địa phương cũng như các khu vực lân cận.
Từ quyết định trên, gần 126ha đất của người dân trong vùng được quy hoạch công viên với nhiều hạng mục như công trình khu thiếu nhi, khu vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao, khu văn hóa triển lãm, khu phục vụ và quản lý công viên; khu quảng trường màu sắc, không gian mặt nước và cây xanh, khu vườn tượng… “Rất vui mừng vì sẽ có không gian sạch sẽ, đẹp đẽ cho cộng đồng dân cư dù có bị thu hồi ít đất, nhưng chờ mãi chẳng thấy công viên đâu. Các khu đất trống thì để cỏ mọc um tùm hoặc làm bãi chứa vật liệu xây dựng, bãi đậu xe tải”, ông Trần Khoa, cư dân ngụ gần khu quy hoạch công viên, ngán ngẩm.
Còn ông Đậu Tuấn Thanh (73 tuổi, ngụ ở đường Tam Bình, phường Tam Phú, TP Thủ Đức) bức xúc: “Gia đình tôi về đây mua đất từ năm 2003, năm 2007 cất nhà, nhưng mười mấy năm qua vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ vì vướng quy hoạch. Có sống trong khu quy hoạch như thế này mới thấu hiểu được cái khổ, cái khó của bà con”.
Lòng vòng chủ đầu tư, không rõ trách nhiệm
Cùng cảnh ngộ với công viên bị “treo” tại phường Tam Phú (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa Gò Vấp hiện như “cánh đồng hoang”. Nằm cuối đường Nguyễn Văn Lượng (thuộc phường 6, quận Gò Vấp), dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2311 ngày 23-4-2001, với quy mô 37ha và tổng mức vốn đầu tư 99 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách TP là 17,235 tỷ đồng, ngân sách quận Gò Vấp huy động từ quỹ đất là 63,940 tỷ đồng và quận Gò Vấp huy động từ các thành phần kinh tế là 17,675 tỷ đồng.
Đến tháng 9-2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1288/QĐ-TTg về thu hồi 37ha đất tại phường 17 (nay là phường 6, quận Gò Vấp) và giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi, đầu tư xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp.
Tiếp đó, năm 2007, Công ty CP Đầu tư Gia Tuệ (TP Hà Nội) ký biên bản ghi nhớ đầu tư dự án này với UBND quận Gò Vấp. Tuy nhiên, do vướng mắc trong các bước thực hiện đầu tư, năm 2014, Công viên văn hóa Gò Vấp được chuyển về cho quận Gò Vấp quản lý đầu tư. Đến năm 2016, công viên được chuyển từ UBND quận Gò Vấp về cho Khu 3 (thuộc Sở GTVT TPHCM) quản lý. Hiện tại, Công viên văn hóa Gò Vấp được chuyển về cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (trực thuộc Sở Xây dựng) quản lý!
Vậy là tròn 20 năm khởi động, đến nay dự án Công viên văn hóa Gò Vấp được xem có diện tích thuộc hàng lớn nhất, nhì ở TPHCM vẫn chỉ là bãi đất lớn, cỏ dại mọc um tùm, con rạch xuyên qua khu đất bị ô nhiễm nặng và đầy lục bình.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, đối với việc đầu tư phát triển công viên, hiện TP giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP thực hiện, còn việc giải quyết khiếu nại và giải phóng mặt bằng lại giao cho UBND quận Gò Vấp.
Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp), cho biết, việc quy hoạch và triển khai đầu tư, xây dựng kéo dài trong nhiều năm làm xấu môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng dự án và kìm hãm sự đi lên của địa phương. “Người dân địa phương nhiều lần có ý kiến, nhưng chủ đầu tư đã đổi. Trước tình trạng này, UBND phường đã báo cáo lên quận để đốc thúc các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giảm bớt ô nhiễm môi trường, sớm tạo cảnh quan xanh, sạch ở địa bàn khu dân cư”, ông Phan Đình An cho biết.
Thiết nghĩ, TP cần xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan, để tránh lãng phí tài nguyên đất, tạo thêm địa chỉ vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao cho người dân, giảm bớt sự bức xúc của người dân về các công viên bị “trùm mền” trong thời gian dài.