Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 130 nhà nuôi chim yến (và còn thêm nhiều nhà nuôi chim yến đang được xây dựng), nhiều nhất là ở 2 phường Long Thủy và Thác Mơ. Công bỏ ra ít, chỉ phải đầu tư xây dựng nhà nuôi, lắp đặt một số trang thiết bị để làm tổ cho chim yến, mà lợi nhuận mang lại rất cao, nên người dân nuôi chim yến tự phát rầm rộ ngay trong khu dân cư. Để dụ chim yến vào làm tổ, các nhà nuôi chim yến đều có trang bị những chiếc máy phát tiếng chim yến, lắp đặt nhiều loại loa kích cỡ khác nhau. Ở các vị trí góc của giá tổ và góc tường được đặt loa nhỏ, nóc nhà hoặc mái được lắp loa với công suất lớn. Âm thanh cứ vang suốt ngày đêm như tra tấn, khiến cư dân chung quanh rất khổ sở.
Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tại khu 3 phường Long Thủy) bức xúc: “Bên cạnh nhà tôi có 2 nhà nuôi chim yến. Tiếng loa dụ chim cứ ríu rít suốt từ 5 giờ sáng đến tận 8 - 9 giờ tối, rất khó chịu, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi và sức khỏe của mọi người”. Bạn Lê Thu Thảo (ngụ tại khu 2 phường Thác Mơ) cũng than: “Cứ phải nghe âm thanh khó chịu phát ra từ các loa dụ chim yến ở gần trường học và nhà, khiến em rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học và nghỉ ngơi”.
Ông Phạm Xuân Dương, Phó phòng Kinh tế thị xã Phước Long, cho biết hiện nay tỉnh Bình Phước chưa có chủ trương mở rộng phát triển mô hình kinh tế này và không định hướng phát triển. Địa phương có nhắc nhở người nuôi chim yến giữ vệ sinh môi trường, phòng ngừa xảy ra dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều người xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng lại sử dụng để làm nhà nuôi chim yến. Tỉnh chưa có quy định chung về việc nuôi chim yến ở khu dân cư, nên rất khó quản lý.