Đến nay, dù đã được kiểm kê để chờ đền bù, nhưng do dự án chưa triển khai nên mọi nhu cầu về xây dựng nhà ở, cơ sơ hạ tầng, hay muốn di chuyển đến khu tái định cư của người dân đều bị “đóng băng”.
Tổ dân phố Thắng Lợi và Nhân Thắng nằm sát tường rào dự án Formosa Hà Tĩnh và biệt lập với trung tâm phường Kỳ Phương (cách hơn 2km). Do nhiều năm nay không được đầu tư xây dựng nhà cửa, sửa chữa cơ sở hạ tầng nên nhìn khung cảnh tổ dân phố rất ảm đạm, tồi tàn.
Năm 2010, người dân 2 tổ dân phố nhận được thông báo về việc địa bàn sẽ triển khai xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện 3 nên sẽ phải nhường đất cho dự án, di dời đến ở khu tái định cư.
Đến năm 2011, huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) và cơ quan chức năng đã tiến hành đo đạc, kiểm kê tài sản để đền bù thiệt hại, đồng thời thông báo cấm người dân không được xây dựng, cơi nới, sửa chữa nhà ở và các công trình khác.
Tuy nhiên, kiểm kê xong tài sản nhưng dự án Nhà máy Nhiệt điện 3 vẫn chưa triển khai, vì vậy hơn 7 năm nay, cuộc sống của người dân ở 2 tổ dân phố phải chịu nhiều hệ lụy: nhà cửa hư hỏng nhưng không được xây dựng, sửa chữa, cơi nới; con cái dựng vợ, gả chồng chỉ được tách hộ nhưng không được xây dựng nhà ở; đường sá, cầu cống hư hỏng không được đầu tư xây dựng, sửa chữa; nước sinh hoạt bị ô nhiễm, mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì ngập lụt; ô nhiễm tiếng ồn, rác thải…
Bà Lê Thị Thìn (67 tuổi, ở tổ dân phố Thắng Lợi) cho biết: “Năm 2011, ngành chức năng đã về đo đạc, kiểm kê đất đai của dân để đền bù giải phóng nhưng từ đó đến nay không thấy triển khai dự án. Nhà làm lâu rồi bị hư hỏng, nhưng không được phép xây dựng, sửa sang. Mùa mưa bão đến gần, tôi rất lo lắng nhà sẽ bị đổ sập bất cứ lúc nào”.
Cũng theo bà Thìn, nhiều năm nay ở đây nước sạch không có để sử dụng; giếng đào, giếng khoan phải sâu hơn 10m mới có nước, nhưng cũng bị váng đục không sử dụng được, người dân phải đi xa hơn 1km để xin hoặc mua nước sạch về dùng…
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tư (47 tuổi, ở tổ dân phố Thắng Lợi) cho biết, ở đây có 9-10 cặp vợ chồng mới cưới đang gặp khó về nhà ở, vì không được xây nhà mới nên phải sống chung với bố mẹ, anh chị em trong 1 căn nhà chật chội, xuống cấp.
“Con tôi vừa lập gia đình và đã tách hộ, nhưng phải lên nhà ông nội ở gần quốc lộ 1A để ở tạm thời. Ở đây chỉ có một số ít hộ dân bám nghề đi biển, còn lại là làm công nhân cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh hoặc đi làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy; người già từ 60 tuổi trở lên chỉ biết ngồi nhà; ruộng đồng đã bị thu hồi từ lâu nên không có đất đai sản xuất”, ông Tư nói.
Do cuộc sống khổ cực, người dân đã nhiều lần phản ánh, viết đơn kiến nghị lên UBND phường, UBND thị xã Kỳ Anh, thậm chí là lên cả tỉnh để kiến nghị sớm được di dời lên khu tái định cư, nhưng phường nói là đã chờ cấp trên, còn trên lại nói là chưa có nguồn kinh phí nên chưa thể di dời được.
Chưa có giải pháp xử lý dứt điểm
Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh cho biết: tổ dân phố Thắng Lợi hiện có 96 hộ dân với 220 nhân khẩu; tổ dân phố Nhân Thắng có 19 hộ dân với 50 nhân khẩu. Đây là 2 nơi đang chịu nhiều hệ lụy vì nằm trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện 3. Từ năm 2011, tại hai tổ dân phố này đã được đo đạc, kiểm kê tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù, nhưng cũng không được xây dựng, cơi nới các công trình nhà cửa, vệ sinh, mặc dù bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, nguồn nước bị ô nhiễm; cầu cống bị hư hỏng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn đối với học sinh đi học; hệ thống điện tạm bợ, bất cập không được đầu tư...
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên, cần thiết phải xét cấp đất tái định cư sớm để người dân dựng tạm chỗ ở, nhưng vẫn không được tỉnh chấp thuận vì chưa di dời thì chưa thể cấp đất tái định cư. Thời gian qua, do một số hộ dân không chịu được cảnh sống khổ sở nên đã đóng cửa nhà bỏ đi lên gần quốc lộ 1A thuê nhà ở tạm bợ, hoặc về ở với nhà người thân”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, dự kiến để di dời hết toàn bộ hộ dân ở 2 tổ dân phố về khu tái định cư mới cần khoảng 100 tỷ đồng, nhưng đến nay do dự án Nhà máy Nhiệt điện 3 vẫn chưa triển khai, chưa thể có nguồn kinh phí. Người dân đã kêu cứu nhiều lần, chính quyền địa phương cũng đã có hồ sơ, đơn kiến nghị gửi lên tỉnh, thậm chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành cũng đã nhiều lần trực tiếp về đây kiểm tra thực tế, nhưng đến nay vẫn không có kết quả, mọi việc đang dậm chân tại chỗ, tỉnh chưa có kinh phí nên địa phương cũng “lực bất tòng tâm”.
Còn về nguồn nước bị ô nhiễm, cũng đã có nhiều đoàn về kiểm tra lấy mẫu đem đi xét nghiệm nhưng mãi không có câu trả lời. Mùa mưa bão, phường phải chật vật huy động phương tiện đến đưa người dân đi sơ tán chứ ở lại đây rất nguy hiểm…
Theo một lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh, việc di dời các hộ dân ở tổ dân phố Thắng Lợi và Nhân Thắng đã được kiểm đếm từ năm 2011 để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Nhà máy Nhiệt điện 3, nhưng đến nay do đang gặp nhiều vướng mắc nên vẫn chưa đền bù di dời được…
Để giúp hàng trăm hộ dân ở 2 tổ dân phố Thắng Lợi và Nhân Thắng ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có những chính sách, chủ trương, phương án đúng đắn, dứt điểm để người dân di dời tái định cư.