Những đứa trẻ hoàn hảo
Trần Thanh T., học sinh lớp 11 một trường chuyên tại TPHCM, được nhiều thầy cô, bạn bè và cả các bậc phụ huynh trong trường xem là một hình mẫu của cái gọi là “con nhà người ta” đầy hoàn hảo. Em học giỏi, cả những môn phụ như thể dục, hội họa, thậm chí còn chơi đàn khá hay.
Nhưng thực tế, T. lại tự nhận mình là đứa trẻ bất hạnh và khổ sở vì những kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ T. luôn hướng con mình trở thành một chàng trai xuất sắc nên họ không tiếc tiền đầu tư cho T. học từ văn hóa đến cả những môn phụ như âm nhạc, hội họa. Họ đặt mục tiêu các môn học phải đạt từ điểm 9 trở lên, nếu bị điểm 8 thì sẽ bị mắng mỏ và phạt nặng.
Dù học giỏi nhưng không phải lúc nào T. cũng đáp ứng được yêu cầu đó, những lúc như thế, T. rất lo sợ và không dám về nhà vì biết điều gì đang chờ đợi mình. Dần dần, em không có bạn bè thật sự vì quá bận học, cha mẹ cũng không thích em có bạn bởi họ chuẩn bị cho em đi du học.
Những lúc suy sụp vì mệt mỏi, T. không biết thổ lộ cùng ai, chỉ biết tự thu mình lại và dần dần tránh tiếp xúc và giao tiếp với người khác, sức học sa sút, nhiều khi còn thờ ơ, không chú ý đến bất cứ điều gì, bất chấp tác động của cha mẹ.
Hoàng T.T.H. cũng là một trường hợp tiêu biểu. Câu chuyện của em từng được nêu ra trong một cuộc tọa đàm về sáng tác truyện tranh tại Đường sách TPHCM. Từ bé, H. đã mê vẽ. Em hay lấy các nhân vật truyện tranh ra để vẽ lại, và giấc mơ lớn của em là sau này sẽ trở thành một họa sĩ vẽ truyện tranh.
Thế nhưng, cha mẹ H. lại muốn em trở thành bác sĩ, bởi bác sĩ vừa là nghề được quý trọng, có thu nhập tốt, lại có thể lo được cho gia đình nếu có bệnh tật. Thế là, cha mẹ H. bắt em từ bỏ sở thích vẽ, tập trung hết tâm sức vào học những môn thi vào ngành y sau này.
Thế nhưng, học được hơn 3 năm, H. không còn chịu đựng được nữa, bất chấp sự kinh ngạc và giận dữ của cha mẹ, H. nghỉ học, gia nhập một nhóm sáng tác truyện tranh, trở thành một tác giả đầy triển vọng. Thậm chí vừa qua, một tác phẩm của em đã đạt giải truyện tranh dành cho tác giả mới. Thế nhưng, như H. tự nhận, lẽ ra em đã có thể bắt đầu sớm hơn, không đánh mất những năm tháng đẹp nhất vào một việc mà em hoàn toàn không thích.
Yêu thương không phải là gánh nặng
Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Quốc gia, tất cả những kỳ vọng của cha mẹ tuy có khi tạo nên những bi kịch nhưng có một điểm cần phải thấu hiểu đó là tất cả đều được xây dựng trên tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con, nhưng có lúc lại không hiểu rằng điều mà họ nghĩ là tốt có khi lại không tốt cho con.
Về cơ bản có 4 nguyên nhân chính dẫn đến kỳ vọng lớn đối với con cái. Đầu tiên chính là mong muốn con cái tiếp nối ước mơ của bố mẹ. Ai cũng từng có ước mơ, nhưng khi không thể đạt được, nhiều người tìm cách chuyển ước mơ đó cho con.
Có những ông bố bà mẹ rất thích được chơi đàn nhưng do điều kiện lúc trước không cho phép nên sau này họ ép trẻ học đàn theo sở thích của mình. Hay có cha mẹ thích trở thành kỹ sư, bác sĩ nhưng hoàn cảnh không thành, giờ họ chuyển sang bắt con mình hoàn thành ước mơ đó.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự tiếp nối. Nếu bản thân cha mẹ giỏi thì dĩ nhiên con phải giỏi. Cha mẹ đều học giỏi, thành công, con không thể học dốt, nếu dốt thì chắc chắn là do lười biếng. Từ đó họ gây áp lực cho con phải học chăm, học giỏi hơn, bất chấp thực tế không phải khi nào con cái cũng giỏi như cha mẹ.
Ở hướng ngược lại, cũng là một nguyên nhân góp phần tạo nên áp lực là do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của con. Cuộc sống không như ý muốn khiến cha mẹ bị ám ảnh rằng sau này con cái cũng khó khăn như mình, nên nhiều cha mẹ tạo áp lực học hành lớn cho con.
Với xã hội Việt Nam, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa là chính bản thân cha mẹ bị áp lực từ bên ngoài nên quay trở lại kỳ vọng vào con. Điều này thể hiện rõ nhất trong những lời hỏi han thường xuyên của người ngoài hoặc người trong gia đình về việc học của con, chẳng hạn như con học trường nào, học giỏi không, xếp thứ mấy… rồi so sánh con với bạn hàng xóm hay anh em họ hàng. Có thể ban đầu, họ chưa có kỳ vọng vào con nhưng do bị tác động bởi những lời hỏi han này lại khiến họ kỳ vọng vào con cái mình.
Áp lực đứa trẻ nhận được từ sự kỳ vọng vô cùng lớn. Trẻ phải đối diện với sở thích không phải của mình, thiếu tự tin, ghét bỏ những người xung quanh, đặc biệt là người được so sánh với mình mặc dù có thể không biết đó là ai. Việc quan tâm đến điểm số có nhiều hệ lụy như khiến trẻ phải quay cóp hay học lệch.
Ngoài ra, điều đáng nói hơn cả là trẻ hoàn toàn không nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành và luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, chỉ mong đến ngày được nghỉ học, đi chơi…
Ngay cả với phụ huynh, những kỳ vọng vào con cái cũng khiến họ mệt mỏi như luôn phải xây dựng kế hoạch hay mục tiêu cho con, dõi theo xem con có học hành cẩn thận không, tìm kiếm các lớp học thêm cho con, thậm chí bản thân họ cũng sẽ căng thẳng khi con bị điểm kém hay bị chê bai ở trường…
Đối với phụ huynh, kỳ vọng vào con là điều hoàn toàn có thể nhưng mỗi người phải tự kìm nén cái tôi của bản thân, kìm nén băn khoăn, lo lắng để trẻ được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải có tầm nhìn dài hơn, nên quan tâm đến tính cách, kỹ năng, suy nghĩ, hành động, cách ứng xử với các tình huống xảy ra trong cuộc sống hơn là điểm số ở trường.
Ở Nhật Bản đang nổi lên hiện tượng “Kikikomori” là một bệnh tâm lý sinh ra từ nền giáo dục hay sức ép của xã hội. Mầm mống của căn bệnh này có thể là sau một lần hỏng thi, bị bắt nạt, không kiếm được công việc như ý… Những người bị căn bệnh này thường nhốt mình trong nhà, khóa trái cửa và cho rằng đó là nơi an toàn nhất, tìm cách tránh né cuộc sống hiện thực. |