Ngày mới quen nhau, chị luôn hãnh diện bởi tính tình xởi lởi, hoạt bát của anh. Gặp ai anh cũng hồ hởi, tay bắt mặt mừng và cuộc trò chuyện vui như tết. Mọi người mừng cho chị gặp được một ý trung nhân vui tính.
Anh thường nói với chị: “Lấy nhau xong, mình chịu khó thuê nhà trọ ở thành phố sống một thời gian. Nhà anh ở tỉnh rộng mênh mông, còn ruộng đất thì cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi. Sau này anh xây nhà vườn, cuối tuần hai đứa tha hồ về nghỉ mát”.
Thế nhưng, khi về ra mắt bên chồng, chị mới biết nhà anh chỉ có một miếng vườn bé tẹo, trồng rau không đủ ăn, trong khi còn ba đứa em sắp ra riêng. Chị thắc mắc thì anh chỉ cười trừ, nói rằng mình vẽ ra như thế để chị phấn khởi mà quên đi cuộc sống ngột ngạt ở thành phố.
Do yêu anh, lại không quan trọng việc giàu nghèo nên chị cũng cho qua. Sau ngày cưới, cả hai sống trong cảnh “một mái nhà tranh với hai quả tim vàng”. Mọi chuyện đều ổn, chỉ riêng cái tật hay “nổ” của anh vẫn không hề giảm.
Biết gia đình anh mấy đời là nông dân nên khi nghe anh khoe với hàng xóm là có ông chú này, bà cô nọ làm rất to ở tỉnh, chị rất ngạc nhiên. Hỏi, thì anh nói phải “ca” lên như thế người ta mới nể. Nói chuyện với ai về lĩnh vực nào, anh cũng cho biết mình quen với ông này, ông kia trong lĩnh vực đó. Chị góp ý thì anh thản nhiên nói : “Ôi, chuyện vô hại thôi mà! Ai rảnh đâu mà đi điều tra”.
Thế nhưng, nhiều lần chị phải khốn khổ về cái sự “nổ” quá mức của anh. Nguyên là vợ chồng chị có một người quen làm ở trung tâm đào tạo lái xe, nhưng chỉ gặp mặt đôi lần, chứ không thân thiết gì.
Vậy mà khi nghe cô bạn của chị muốn có bằng lái xe gấp, anh cho là “dễ ợt” và nhận làm, nhưng đã một năm nay chẳng thấy bằng đâu. Chị không biết phải nói với bạn thế nào, không lẽ nói do chồng tôi “nổ” thôi mà.
Lần khác, một người bạn của chị muốn cho con chuyển sang học một trường tốt ở trung tâm thành phố nhưng không đúng tuyến. Từng nghe anh nói có quen thân với ông trưởng phòng giáo dục ở đó, nên vợ chồng chị bạn đến khẩn khoản nhờ giúp đỡ.
Lúc đó, anh không có ở nhà, chị hết lời giải thích rằng anh chẳng hề quen biết gì với ông ấy cả mà họ vẫn không tin, cho rằng chị không tốt với bạn bè. Chị thật khổ tâm, nhưng không biết nói sao cho bạn hiểu.
Rồi một hôm, có ông bác ở quê lặn lội lên nhà đưa hồ sơ nhờ chị xin cho đứa con đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. Ông ấy nói, chồng chị bảo quen biết rộng lắm, chuyện xin định cư xứ kim chi còn được, huống gì đi lao động. Chị dở khóc, dở cười, nói mãi ông bác mới mang hồ sơ về.
Chưa hết, không biết anh nói sao với bà con ở quê mà họ cứ tưởng anh là đại gia ở thành phố. Mỗi khi có việc lên TPHCM, họ đều ghé nhà “thằng Hai” ở vài bữa. Báo hại chị phải è lưng tiếp đón. Những lúc này, anh không những không giúp gì cho vợ mà còn vô tư “nổ”, đưa họ đi hết chỗ này đến chỗ kia, khoe khoang sự hào nhoáng chốn thị thành.
Kết quả là sau khi người dưới quê về thì vợ chồng cũng gần đứt hết một tháng lương. Chị có trách móc thì anh thản nhiên nói: “Thôi kệ, lâu lâu người ta mới lên một lần. Mình phải chứng tỏ là người thành phố chứ”. Chứng tỏ không biết có lợi gì không, nhưng cả tháng đó cả nhà phải thắt lưng buộc bụng hết mức mới đủ bù vào khoản chi tiêu phát sinh kia.
Ngoài tật “nổ” về các mối quan hệ, chuyện “đông tây kim cổ”, anh còn ba hoa về khả năng giường chiếu và chuyện ăn chơi. Anh khoe khoang với bạn về khả năng “đêm bảy ngày ba” và từng trải ở những nơi giải trí nổi tiếng khiến chị vừa bực mình, vừa xấu hổ.
Thời buổi kinh tế khó khăn, đi đâu cũng nghe giảm lương, cắt biên chế, nhưng gặp ai anh cũng khoe “chỗ tôi ngày càng ăn nên làm ra, cuối năm thưởng hàng trăm triệu là chuyện bình thường”.
Nói ra thì xấu chàng hổ ai, nhưng mỗi khi nghe chồng khoác lác, chị bực bội vô cùng. Góp ý mãi rồi đâu cũng vào đấy, chị đành sống chung với “kho đạn” mà lòng luôn ấm ức.