Khổ vì bông cỏ

Khổ vì bông cỏ

Cư dân ở các xã Phước Lộc, Hiệp Phước, Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM) đang phải khốn khổ vì... bông cỏ. Cứ một cơn gió là bông cỏ bay đầy trời, cuộn vào nhà, dính đầy quần áo, rơi vào lu nước, giếng nước và thức ăn trong bếp, khiến cuộc sống, sức khỏe của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ thông tin của bạn đọc ở xã Phước Lộc phản ánh, PV Báo SGGP đã về đây chứng kiến nạn bông cỏ. Bà Lâm Thị Sáu (ấp 4) than: “Tôi sống đã 64 năm, chưa thấy cảnh khổ nào bằng phải sống chung với bông cỏ!”. Chị Út (ở nhà số 155, ấp 4) chỉ cái bao ni lông lớn màu đen ở gốc cây trước nhà và nói: “Phải quét bông cỏ hoài, chớ không quét sao chịu nổi. Ngủ một đêm, sáng ngày đã thấy cả đống bông cỏ quần quần trong nhà. Phải quét rồi hốt bỏ vô bao liền, vì chậm tay là gió thổi lại bay tứ tung, phải quét lại!”.

Cỏ dại mọc đầy hai bên đường

Bông cỏ là vấn nạn mới đối với cư dân ở xã Phước Lộc. Tác hại của nó quá trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Lây (ở đường Đào Sư Tích, ấp 1) cho biết: “Nạn bông cỏ xảy ra kể từ khi vùng đất này được đô thị hóa. Lúc đó, giá đất ở đây tăng từng ngày. Nhiều người ở nội thành về đây mua đất đầu cơ. Thị trường bất động sản đóng băng, đất bị bỏ hoang nên cỏ dại mọc. Mà nhiều nhất là cỏ bông lau mà người ta hay gọi là cỏ Mỹ, phát tán mọc tràn lan rất nhanh”. Thật vậy, trên suốt hai bên đường, đất bỏ hoang, cỏ lau mọc kín cao lút đầu người. Ông Nguyễn Trọng Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: “Nạn bông cỏ đã được báo cáo về huyện. Huyện đã chấp thuận chủ trương và cấp kinh phí cho chúng tôi diệt cỏ. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở biện pháp phát quang, chứ chưa diệt căn cơ được. Trong năm, chúng tôi tổ chức 2 lần vào mùa nắng và gần tết. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn thì cỏ lại mọc đầy trở lại”.

Được biết, năm ngoái, ngay khi huyện triệu tập cuộc họp để tìm giải pháp diệt cỏ lau ở các xã Phước Lộc, Hiệp Phước, Long Thới, thì tại xã Hiệp Phước xảy ra một vụ cháy cỏ. Nguy cơ cháy đồng cỏ vào mùa khô rất dễ xảy ra và rất khó dập tắt, hậu quả khó lường. Hiện nay, chỉ riêng địa bàn xã Phước Lộc vẫn còn 8 dự án lớn với hàng trăm khu đất bỏ hoang. Cứ vài tháng, chính quyền xã Phước Lộc lại gửi giấy mời đến các chủ đầu tư và chủ đất yêu cầu khai hoang, cắt cỏ. Ông Nguyễn Trọng Khánh cho biết: “Các chủ dự án lớn đều đồng tình hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đất chưa chịu khai hoang, cắt cỏ. Trong trường hợp như vậy, sau 3 lần gửi thư mời mà họ không thực hiện thì chúng tôi không thể chờ đợi và xuất liền kinh phí để thuê mướn dịch vụ dọn dẹp cỏ và sẽ buộc chủ đất đóng tiền sau. Hiện nay, kinh phí cho công tác này cũng khá lớn. Với miếng đất khoảng 500m2, tiền dọn cỏ gần 3 triệu đồng. Do vậy, chúng tôi chỉ thực hiện được với các lô đất liền kề với nhà của người dân và không thể thực hiện đồng bộ”. Với tình hình như vậy người dân ở các xã tại huyện Nhà Bè lại tiếp tục phải chịu đựng cảnh sống chung với bông cỏ.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục