Gạch bong, tường nứt vỡ
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), ở một vài khoa, sàn được dán giấy giả gỗ đã bị bong tróc, lộ nền xi măng. Tại khu khám và điều trị bệnh, thời điểm khảo sát có nhiều rác thải vương vãi dưới sàn, chưa được vệ sinh, thu dọn. Khu vực chân cầu thang được trưng dụng làm nơi để vật dụng thi công (thùng sơn, thang, dàn giáo...) rất nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ để côn trùng gây hại phát sinh, đặc biệt là muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 1 (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), cũng ghi nhận cảnh tương tự: Sàn lót gạch ở một số khoa phòng bị nứt vỡ, cửa sắt hoen gỉ, tường bị bong tróc sơn, nấm mốc, bụi bám; nhà vệ sinh tại các phòng bệnh nồng nặc mùi. Do lượng bệnh nhân quá đông nên phần hành lang cũng được tận dụng để đặt giường nằm điều trị cho bệnh nhân. Phía trước cổng bệnh viện phát sinh nhiều điểm chứa rác thải, bốc mùi hôi, gây mất mỹ quan. Bệnh viện đã phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm trước cổng bệnh viện chưa được giải quyết triệt để.
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TPHCM) nhiều lần được đầu tư kinh phí xây dựng, nhưng cơ sở vật chất vẫn chắp vá, mang tính dã chiến. Phía ngoài, tường bao của bệnh viện nhiều chỗ bong tróc sơn, nứt vỡ; hệ thống dây điện chằng chịt, không được đấu nối gọn gàng. Phía bên trong, các khoa phòng chật chội, hệ thống cửa lung lay, dễ gây nguy hiểm cho bác sĩ và người bệnh… BS-CKII Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết, bệnh viện có tuổi đời 85 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, dù có phương án di dời từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích. Sau nhiều lần họp bàn dự án, đến năm 2017, bệnh viện được các sở ngành thành phố tham mưu UBND TPHCM thực hiện dự án theo hợp đồng BT tại khu Mả Lạng (quận 1) với quy mô 300 giường. Tuy nhiên, chờ mãi công trình vẫn chưa được khởi công.
“Năm 2017, bệnh viện được thành phố phê duyệt cải tạo, sửa chữa một số hạng mục với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM triển khai. Khó khăn lớn nhất của Bệnh viện là việc cải tạo hệ thống xử lý nước thải ì ạch, kéo dài đến giờ chưa xong”, BS Nguyễn Đức Vũ thông tin.
Tình trạng vừa kể trên cũng xảy ra ngay với một số bệnh viện được đầu tư xây mới, đó là Bệnh viện quận Gò Vấp (TPHCM). Được khánh thành đi vào hoạt động tháng 2-2017, nhưng đến nay nhiều hạng mục công trình tại bệnh viện này đã xuống cấp, hư hại lớn. Người dân khi vào thăm khám không khó bắt gặp phần gạch lát nền ở một số tầng bị bong tróc, vỡ nát. Hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố, các nút bấm bị hư hỏng, tê liệt, gây khó khăn cho việc vận chuyển người bệnh cấp cứu và đi lại, thăm khám của người dân, y bác sĩ. Hiện nơi này còn thường xuyên bị thấm dột trong các phòng bệnh, khu cấp cứu, hệ thống đường điện tại đây cũng đã có dấu hiệu hư hỏng nghiêm trọng.
Nhiều dự án xây mới gặp khó khăn
Trong khi nhiều bệnh viện tại TPHCM như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Tâm thần (cơ sở chính, quận 5), Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện quận 8… mỗi ngày “gánh” hàng ngàn lượt người dân đến khám chữa bệnh thì nhiều dự án bệnh viện đang bị chậm giải ngân vốn. Đến ngày 1-7, việc giải ngân vốn cho các cơ sở y tế chỉ đạt 28% kế hoạch, đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, giảm tải của các bệnh viện.
Chẳng hạn, dự án nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM) được khởi công tháng 11-2021, khối lượng giải ngân tới ngày 1-7 là 0%. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tỷ lệ giải ngân của dự án đầu tư xây dựng khối điều trị nội trú tới ngày 1-7 là 36,8%. Đây là dự án được khởi công tháng 3-2020 nhằm xây dựng thay thế khối điều trị nội trú có quy mô 2 khối nhà 15 tầng, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TPHCM, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay.
Bên cạnh đó, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (trên 1.850 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 1-2021, sau đó bị ngưng trệ vào thời điểm thành phố bùng phát dịch Covid-19. 2 dự án ở cửa ngõ thành phố cũng bị ảnh hưởng tiến độ là Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (gần 1.900 tỷ đồng, khởi công tháng 1-2021) và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (trên 1.900 tỷ đồng), khởi công tháng 11-2021. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam, việc xây dựng các công trình y tế của thành phố gặp khó khăn do nhiều lý do khách quan. Đó là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các bệnh viện phải tập trung điều trị, công trình không được thi công. Giá vật liệu leo thang, nhân công thiếu hụt khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ… Hầu hết lãnh đạo bệnh viện cho biết, họ là đơn vị thụ hưởng, còn việc xây dựng, sửa chữa thì do nhiều cơ quan, đơn vị khác thực hiện. Mong mỏi của các bác sĩ là các dự án bệnh viện được triển khai nhanh hơn, để bệnh viện có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của đông đảo người dân hiện nay.
* Ông LÊ VĂN DŨNG, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM: Cần Sở Y tế thành phố hỗ trợ |