1. Khi thành phố vừa mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách, chị Hiền Mai (quận 1, TPHCM) hẹn vài người bạn thân ra quán cà phê để được trút bầu tâm sự. Câu mở đầu: “Tôi bức xúc lắm, hễ nói chuyện với chồng là hai người lại to tiếng nên mọi chuyện chỉ đi vào ngõ cụt”, khiến mọi người hoang mang.
Chuyện là, cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp đại học ở quê, em chồng chị quyết định vào TPHCM lập nghiệp. Khi đó, chị mới mua được một căn hộ cũ hơn 60m², gia đình lại chỉ có 2 vợ chồng và cô con gái nhỏ nên để em chồng về sống chung mà không thấy lăn tăn gì. Từng ở hoàn cảnh tương tự, lại là người thân trong nhà nên chị thấy mọi chuyện rất bình thường.
Thương em, chị còn từ chối khoản tiền đóng góp sinh hoạt phí mỗi tháng vì nghĩ, em chồng mới nhận việc, chưa dư dả trong khi 2 vợ chồng có thể lo được. Nhưng sau 3 năm, chị thấy quyết định của mình sai lầm. Từng đó thời gian ở cùng, thỉnh thoảng cô em chồng mua cho con chị thùng sữa tươi. Chuyện sẽ không phải là gánh nặng quá lớn nếu chị không sinh bé thứ 2, chồng do công việc bấp bênh chấp nhận nghỉ việc ở nhà chăm 2 con. Gần 5 tháng thành phố giãn cách xã hội, một mình chị lo hết mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình với thu nhập đã bị cắt giảm không ít, còn cô em chồng vẫn dửng dưng. Chưa kể, cả nhà đều mắc Covid-19, lại đội thêm một phần chi phí.
“5 miệng ăn dù tiết kiệm đến mấy, mỗi tháng sinh hoạt phí cũng không nhỏ, nhất là với khẩu phần ăn của hai con. Đã vài lần tôi nói chuyện với chồng nên mở lời để em chồng đỡ đần phần nào, vì sống cùng nhà không nói ra ai cũng hiểu hoàn cảnh gia đình. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, chồng tôi đều bác bỏ với quan điểm không thể lấy tiền của em, rồi làm sao ăn nói với bố mẹ ở quê. Sau vài lần cãi nhau, tôi đành bất lực. Dù có lúc ấm ức, tôi cũng suy nghĩ hay nói thẳng với em chồng rồi chuyện đến đâu thì đến”, chị than thở.
2. Sống chung nhà với em chồng, lại là em trai, nhưng chị Minh Hằng (ngụ quận 12, TPHCM) lại cảm thấy hoàn toàn dễ chịu. Sau khi cất xong căn nhà khá rộng rãi, chị bàn bạc cùng chồng kêu em về ở chung, vừa tiết kiệm tiền trọ, anh em được ở cùng nhau. Chị tâm sự: “Khi vợ chồng tôi làm nhà, hễ lúc nào rảnh rỗi là em chồng đều sang phụ trông nom, coi sóc mọi thứ. Chưa kể, dù không quá dư dả nhưng em cũng đưa cho vợ chồng tôi mượn một khoản tiền để trang trải cho nhà mới. Nhưng không phải vì số tiền đó khi làm xong nhà tôi mới mở lời kêu em về ở chung. Quan trọng nhất, tôi thấy em chồng là người biết điều, sống hòa thuận”.
Về ở chung, em chồng chị Hằng là người biết trước sau. Mỗi tháng đều đưa chị dâu một khoản để phụ tiền chợ. Từ chối không đặng, chị đành nhận để em chồng cũng đỡ mang tiếng ăn không, ở nhờ. Các công việc trong nhà: nấu cơm, rửa chén, dọn nhà… hay phụ giúp đưa đón con chị đi học, em chồng đều xắn tay khi rảnh, nhất là những ngày đầu tháng, cuối tháng công việc kế toán của chị bận rộn hơn với đủ loại giấy tờ, sổ sách.
“Nhiều lúc nhìn cảnh đàn ông con trai chưa vợ vào bếp, dọn nhà… tôi luôn nói để mình làm, mọi việc sẽ đâu vào đấy. Nhưng em chồng tôi vốn là người tự lập, đã quen cuộc sống ở trọ một mình nên không nề hà. Thấy vậy tôi càng quý hơn”, chị Hằng chia sẻ thêm. Khi em chồng lấy vợ, cũng nhất quyết xin ra ở riêng dù nhà còn dư phòng và chị hết lời đề nghị về sống chung.
Cuộc sống gia đình muôn màu, muôn vẻ, nhất là khi có thêm các thành viên là anh - chị - em nhà vợ hay chồng về sống chung. Điều này ở khía cạnh nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của các cặp vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để giữ hòa khí trong gia đình, dù là anh em trong nhà, ngay từ đầu nên có những cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn về nếp sống, sinh hoạt, trong đó có cả câu chuyện về trách nhiệm đóng góp.
Không phải ai cũng có em chồng hiểu chuyện như chị Minh Hằng và câu chuyện của chị Hiền Mai là bài học cho không ít gia đình. Ở hoàn cảnh đó, chọn một phương án giải quyết hợp tình hợp lý là điều không hề đơn giản, bởi nếu không khéo sẽ dễ khiến gia đình lục đục, ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, anh chị em.
Hãy chọn cách đối thoại, tìm dịp thích hợp, lựa lời để chia sẻ câu chuyện với vợ hay chồng mình. Chỉ khi tìm được tiếng nói chung, cùng nhìn về một hướng, mọi chuyện mới được sắp xếp ổn thỏa và không khí gia đình trở lại vui vẻ, hòa thuận.