Heo hút ứng viên
Năm học 2022-2023, TP Thủ Đức có nhu cầu tuyển dụng 22 giáo viên Âm nhạc, nhưng kết quả trúng tuyển viên chức mới đây cho thấy chỉ có 3 người trúng tuyển, đáp ứng chưa đến 14% nhu cầu giảng dạy của các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Tương tự, đối với môn Mỹ thuật, toàn TP Thủ Đức cần bổ sung 24 giáo viên, nhưng chỉ có 3 người trúng tuyển. Tại quận 4, danh sách 69 người trúng tuyển viên chức giáo dục năm học 2022-2023 cũng chỉ có 1 giáo viên Âm nhạc.
Quận Phú Nhuận đang cần tuyển 2 giáo viên Mỹ thuật cho năm học mới, nhưng trong danh sách ứng viên đủ điều kiện xét tuyển vòng 2 không có người nào tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật. Quận 3 cần tuyển dụng 8 giáo viên cho hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Quận 8 thông báo tuyển dụng giáo viên năm học 2022-2023 cho bậc tiểu học là 12 giáo viên Âm nhạc, 14 giáo viên Mỹ thuật; bậc THCS cần bổ sung 4 giáo viên Âm nhạc, 8 giáo viên Mỹ thuật. Quận Tân Bình cũng tuyển công khai 10 giáo viên Âm nhạc và 11 giáo viên Mỹ thuật cho hai bậc tiểu học, THCS.
Đối với bậc THPT, do là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới - trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật - khá lớn. Cụ thể, môn Âm nhạc có tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 18 giáo viên. Ở vòng 1 (kiểm tra kiến thức chung và ngoại ngữ), chỉ có 4 ứng viên đăng ký dự tuyển.
Kết quả thi tuyển cho thấy chỉ có 2 ứng viên đủ điều kiện tiếp tục tham gia thi tuyển vòng 2 (kiểm tra kỹ năng hoạt động nghề nghiệp). Trong trường hợp cả 2 ứng viên đều đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thì số giáo viên trúng tuyển chưa đến 12% nhu cầu giảng dạy ở các trường. Tương tự, môn Mỹ thuật có chỉ tiêu tuyển dụng là 12 giáo viên, nhưng vòng 1 chỉ có 6 ứng viên dự tuyển, và duy nhất 1 người đủ điều kiện tham gia thi tuyển vòng 2.
Để giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết, đối với các môn nghệ thuật, trường sẽ sử dụng giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Ngoài ra, các cụm trường đang tính đến phương án “dùng chung” giáo viên, phân chia thời khóa biểu để giáo viên có thể dạy cùng lúc ở nhiều trường, đáp ứng nhu cầu học tập hai bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật của học sinh.
Đẩy mạnh đào tạo giáo viên
Trước thực tế nguồn tuyển giáo viên các bộ môn nghệ thuật còn hạn chế, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã ký kết đào tạo với hai trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM mở thêm lớp đào tạo giáo viên các ngành học này. Sở cũng chỉ đạo Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp, giới thiệu cho các trường THPT để giải quyết tạm thời nhu cầu giảng dạy trong năm học tới.
Mới đây, có ý kiến đề xuất thành phố cho phép tuyển dụng giáo viên liên trường, thay vì tuyển giáo viên theo nhu cầu riêng lẻ của từng trường hiện nay. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, tuyển giáo viên liên trường là một trong những giải pháp tình thế, tuy nhiên đòi hỏi nhiều quy định quản lý đi kèm như biên chế, quy định số tiết dạy, định mức của giáo viên. Trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở cấp THCS dạy học ở bậc THPT với điều kiện đáp ứng yêu cầu về giảng dạy.
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, một trong những lý do khiến nguồn tuyển giáo viên nghệ thuật khan hiếm ở bậc THPT là do trước đây đa số giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật chỉ có trình độ cao đẳng, sau này khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành mới nâng chuẩn lên đại học. Vì vậy, có rất ít ứng viên đủ điều kiện tham gia dự tuyển viên chức. Bên cạnh đó, hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật trước đây chủ yếu giảng dạy theo hình thức câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa nên ít học sinh tham gia, nhu cầu giảng dạy không nhiều.
Tuy nhiên, theo thiết kế của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Âm nhạc và Mỹ thuật được xếp vào nhóm các môn tự chọn. Học sinh bắt buộc phải chọn 4/9 môn tự chọn bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình, dẫn đến nhu cầu giáo viên nghệ thuật tăng cao. Dù vậy, do tính chất đặc thù của môn học nên tuy được triển khai trong chương trình chính khóa nhưng học sinh không có nhu cầu học thêm đối với hai môn học này, dẫn đến thu nhập của giáo viên hạn chế, ít giữ được người lâu dài. Do đó, bên cạnh các chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cơ quan quản lý cần tính đến bài toán thu hút và giữ chân đội ngũ, đảm bảo quá trình dạy học không bị gián đoạn, các trường đồng đều về trình độ giáo viên.