Trong phần chất vấn trực tiếp sáng 6-11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) dẫn báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao nêu số liệu có 2.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện thời gian qua, với hơn 300 chủ thể vi phạm khác nhau, nhiều vụ nghiêm trọng nhưng đến nay chưa truy tố với pháp nhân vi phạm nào. Ông Hiển băn khoăn về nguyên nhân của việc này?
Viện trưởng VKSBD tối cao Lê Minh Trí bình luận, câu hỏi của ĐB khiến cả cơ quan bảo vệ pháp luật và người làm luật phải suy nghĩ.
Trước hết, theo quy định, các hành vi phải có định lượng cụ thể, vi phạm đến mức nào mới khởi tố hình sự. Thêm nữa, nhiều tội danh, phải qua nhiều lần xử lý hành chính trước đó, xong mới chuyển sang xử lý hình sự được. Theo người đứng đầu ngành kiểm sát, đây là vấn đề mới nên cần xem xét tính khả thi của các điều luật.
“Thực tế hiện nay, cán bộ xử lý vấn đề này đang gặp lúng túng, cần có hướng dẫn của các cấp quy định rõ tình tiết, chi tiết cụ thể để không có oan sai hay để lọt tội”, Viện trưởng Lê Minh Trí thừa nhận.
ĐB Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng một số văn bản phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, giải pháp khắc phục là gì?
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hồi đáp: “Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành 75 luật và nghị quyết, đây là cố gắng rất lớn, được dư luận đánh giá khá tích cực. Tuổi thọ trung bình của một luật là 10 năm, trung bình 5 năm sửa đổi một số điều, 10 năm sửa đổi tổng thể”.
Thừa nhận trong nhiệm kỳ vừa qua có những luật có tuổi thọ dưới 5 năm, như Luật Đầu tư công, do cần đáp ứng yêu cầu của một đất nước đang phát triển, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, một hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả vẫn là mong muốn của chúng ta.
Về giải pháp, hiện chúng ta đang tổng kết nhiều Nghị quyết của Đảng như các Nghị quyết 48, 49, sắp tới sẽ đề xuất ban hành nhiều văn bản luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, bộ ngành; nâng cao vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia; chúng tôi cũng rất muốn Quốc hội và các cơ quan và dư luận tiếp tục giám sát để nâng cao chất lượng các dự án luật.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) đặt câu hỏi cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ ngành tòa án.
ĐB Huỳnh Thanh Phương cũng hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hiệu quả thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nguyên nhân của những tồn tại và giải pháp giải quyết?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nghị quyết của Trung ương đã giao nhiệm vụ rất rõ về các mục tiêu sắp xếp giảm các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số người hưởng lương từ ngân sách. Về sắp xếp, đã giảm 9,09% đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, ở địa phương giảm hơn 7%; giảm 11,98% số biên chế hưởng lương từ ngân sách. Còn cơ chế tự chủ thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ, giao 6 bộ, ngành xây dựng 6 nghị định về tự chủ cho các lĩnh vực, nay mới có 2 nghị định được ban hành.
Gần đây, Chính phủ kết luận giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo mới thay thế Nghị định 16, gồm tất cả các nghị định khác, các bộ ngành không phải xây dựng nghị định riêng nữa. Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 120 năm 2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, cùng với nghị định thay thế Nghị định 16, chúng ta sẽ có cơ chế thuận lợi cho việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.