Khó tiếp cận hộ chiếu vaccine

Việc cấp hộ chiếu vaccine cho người dân đã được triển khai từ hơn một tháng qua, tuy nhiên đến nay nhiều người dân vẫn chưa nhận được hộ chiếu vaccine, chưa có “giấy thông hành” để xuất cảnh.

Người dân thiệt thòi

Đã tiêm xong 3 mũi vaccine Covid-19 từ cuối tháng 12-2021, nhưng anh Nguyễn Văn Nam (ngụ quận 12, TPHCM) vẫn chưa được cấp hộ chiếu vaccine. Trước đó, khi nghe thông tin triển khai cấp hộ chiếu vaccine, anh Nam nghĩ bản thân sẽ có hộ chiếu vaccine sớm vì đã tiêm vaccine từ lâu, các thông tin đều khai chính xác và được hiển thị đầy đủ trên ứng dụng PC-Covid.

“Đến ngày 4-6, mục hộ chiếu vaccine trên ứng dụng PC-Covid vẫn chưa được cập nhật, trong khi bạn bè của tôi ở các tỉnh, thành khác dù tiêm sau nhưng đều đã có hộ chiếu vaccine. Tôi rất lo lắng, bởi chỉ còn 2 tuần nữa tôi sẽ đi Thái Lan công tác, rất cần có hộ chiếu vaccine để di chuyển”, anh Nam cho hay.

Vì sao có sự chậm trễ trong cấp hộ chiếu vaccine? Theo lý giải của Bộ Y tế, các khâu rà soát thông tin, cập nhật, liên thông và bổ sung dữ liệu của người được tiêm chủng để cấp hộ chiếu vaccine đang gặp nhiều vướng mắc.

Khó tiếp cận hộ chiếu vaccine ảnh 1 Người dân kiểm tra thông tin hộ chiếu vaccine trên ứng dụng PC-Covid. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phân trần về việc chậm trễ trong xử lý dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vaccine, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin y tế (Bộ Y tế), cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do việc triển khai văn bản của Bộ Y tế đến đơn vị tuyến dưới ở một số tỉnh, thành còn chậm trễ; các địa phương cũng chưa thực sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.

Tiếp đến, công tác hoàn thiện dữ liệu có sự tham gia của lực lượng công an cơ sở; tuy nhiên thực tế thiếu sự chỉ đạo của tổ công tác Đề án 06 (đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”) các cấp, không huy động sự vào cuộc của các lực lượng khác để hỗ trợ ngành y tế.

“Có những trạm y tế hiện nay có khoảng 15.000 người đã tiêm vaccine Covid-19 nhưng bị sai thông tin, trong khi chỉ có một nhân viên y tế thực hiện công việc rà soát, xác minh rồi nhập lại dữ liệu vào phần mềm”, ông Nguyễn Bá Hùng dẫn chứng.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hùng, rất nhiều người dân khai thông tin chưa đầy đủ, chính xác khi tiêm vaccine Covid-19, dẫn đến việc hiện nay không đủ thông tin để tiến hành xác minh. Cùng với đó, hệ thống ký số xác nhận hộ chiếu vaccine hoạt động chưa ổn định, đôi khi bị quá tải khi do các cơ sở tiêm chủng đồng loạt thực hiện ký với số lượng lớn.

Chậm hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, ngày 1-6 là hạn chót các đơn vị, địa phương phải hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 để làm cơ sở ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân. Tuy nhiên, tới thời điểm này, cả nước mới có hơn 28 triệu người có hộ chiếu vaccine.

Trong khi đó, tính đến ngày 4-6, cả nước đã tiêm chủng được trên 221,6 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó riêng người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vaccine là hơn 71,4 triệu người và tiêm 2 mũi là trên 68,7 triệu người. Do đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, việc hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng và ký xác nhận hộ chiếu vaccine không đạt được tiến độ đề ra, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới những người đã tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bởi lẽ, nếu có hộ chiếu vaccine, hay còn gọi chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 điện tử, người dân sẽ thuận lợi trong việc đi lại, giao thương quốc tế - nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã mở lại các hoạt động du lịch, kinh doanh với khách quốc tế. Hơn nữa, đến nay đã có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cùng 54 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, người dân đã tiêm vaccine Covid-19 và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được ký số xác nhận hộ chiếu vaccine mà không phải làm thủ tục gì thêm, kể cả trong trường hợp không có, hay mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy.

Người dân muốn xem hộ chiếu vaccine của bản thân, hay nói cách khác là xem bản thân đã được cấp hộ chiếu vaccine chưa, thì cần kiểm tra trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-Covid, hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Bộ Công an bổ sung chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine trên ứng dụng VNeID.

Ông Nguyễn Bá Hùng cũng khẳng định, người dân tiêm vaccine Covid-19 tại các cơ sở y tế khác nhau thì chỉ cần cơ sở tiêm mũi cuối cùng ký xác nhận. Trong trường hợp cơ sở tiêm chủng nhập sai thông tin, thì người dân sẽ không nhận được hộ chiếu vaccine. Khi kiểm tra tại các ứng dụng trên, nếu chưa thấy có hộ chiếu vaccine hay thông tin cá nhân không chính xác, người dân liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn) để được bổ sung, cập nhật thông tin.

Ngoài ra, người dân có thể gọi điện thoại đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc để được tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vaccine.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, để đảm bảo quyền lợi của người dân đã tiêm chủng vaccine, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị chức năng liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và hộ chiếu vaccine không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi đối với người dân. Nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tin cùng chuyên mục