Vướng mắc pháp lý
Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng là yếu tố song hành với chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, bền vững - vấn đề mà TPHCM rất quan tâm. Ngành công nghiệp của TPHCM sau những bước tiến dài đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thôi thúc phải chuyển mình, nếu không có NLTT thì chuyển đổi công nghiệp khó thành công.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư “than khó” khi tham gia lĩnh vực NLTT do vướng mắc pháp lý. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nêu ví dụ, quyết định về cơ chế thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam vẫn đang được Bộ Công thương xây dựng, khiến nhiều dự án điện mặt trời triển khai sau năm 2020 chưa có hướng giải quyết rõ ràng. Những trì hoãn này tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư và làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Còn theo luật sư Nguyễn Đức Minh (Công ty Luật TNHH Kim & Chang Việt Nam), hiện Việt Nam chưa có luật riêng về NLTT. Quy hoạch phát triển điện lực chưa đồng bộ với quy hoạch liên ngành như than, dầu khí, NLTT, giao thông… Mặt khác, chính sách ưu đãi FiT (biểu giá điện hỗ trợ) không còn được áp dụng cho các dự án điện gió và điện mặt trời vận hành sau ngày 1-11-2021 nên các nhà đầu tư đã tạm dừng phát triển điện gió, điện mặt trời...
Với Nghị quyết 98, luật sư Nguyễn Đức Minh đề nghị TPHCM cần sớm công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư NLTT cụ thể, trong đó phải có đầy đủ thông tin như yêu cầu đối với dự án, hình thức đầu tư, cách lựa chọn nhà đầu tư, yêu cầu năng lượng, kinh nghiệm, quy mô, phương thức đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… Việc này cần được công bố công khai cho nhà đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Cùng với đó là phải làm rõ cơ chế đấu nối điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Trong khi đó, luật sư Lê Nết (trọng tài viên VIAC) nêu, hiện có khó khăn trong việc bán điện dư thừa cho Tập đoàn Điện lực (EVN); quy định về điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà còn chưa được quy định cụ thể; thiếu rõ ràng trong cơ chế bán điện trực tiếp...
Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông Choi Kyu Chul cho biết, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, phần lớn nhà máy muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nhưng đều gặp khó khăn do quy định hiện hành chưa rõ ràng, cụ thể.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, TPHCM có khả năng tiêu thụ năng lượng lớn. Tính đến năm 2023, TPHCM tiêu thụ khoảng 28,5 tỷ kWh, chiếm 15% cả nước. TPHCM rất thuận lợi về phát triển điện mặt trời mái nhà, khi có mật độ cao ốc, nhà máy và công trình công cộng lớn. Nghị quyết 98 cũng cho phép TPHCM sử dụng trụ sở tòa nhà công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. TPHCM cũng đã đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn triển khai thủ tục nghiên cứu 2 dự án điện gió ngoài khơi ở huyện Cần Giờ, với tổng công suất 8.000MW.
Chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư
Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong muốn có cơ hội tham gia vào thị trường phát triển NLTT của Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải đối mặt rất nhiều thách thức, nhất là khả năng vay vốn không cao cho các dự án tại Việt Nam. Điều này có nghĩa, phải thay đổi khung chính sách, hợp đồng mẫu để “gỡ” cho nhà đầu tư. Ông Seck Yee Chung cho rằng, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực NLTT, công tác quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, minh bạch trong đấu thầu và các chính sách hỗ trợ, thủ tục phê duyệt, cấp phép dự án cần cụ thể, rõ ràng, nhanh chóng.
Luật sư Nguyễn Quốc Vinh (trọng tài viên VIAC) thông tin, vừa qua đã có 3 nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng xanh đã rời Việt Nam. Qua đó cho thấy rất cần sự ổn định chính sách để giữ chân nhà đầu tư. Theo luật sư Nguyễn Quốc Vinh, các dự án NLTT ở Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro về tính ổn định chính sách, về xây dựng và vận hành cũng như doanh thu.
“Nhà nước cần chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đầu tiên cần bảo đảm chính sách ổn định, ít nhất giúp họ có thể tiên liệu được những khó khăn, vướng mắc”, luật sư Nguyễn Quốc Vinh nói. Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, cho rằng, khi Nhà nước và nhà đầu tư cùng đứng trên quan hệ pháp lý bằng nhau trong quan hệ dân sự thì khi đó nhà đầu tư mới làm được!
Nghị quyết 98 cho phép TPHCM làm điện mặt trời mái nhà, cụ thể là sử dụng trụ sở công sản để lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ cho hoạt động của trụ sở, phần điện thừa không sử dụng hết được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực. Theo luật sư Lê Nết, cần có chính sách cho phép phần điện dư thừa từ điện mặt trời mái nhà công sản được chuyển cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập khác.