Khó thu hồi nợ vì vướng xử lý tài sản đảm bảo

Tại Hội nghị trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TPHCM do UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM tổ chức ngày 12-4, hầu hết vướng mắc được các TCTD phản ánh chủ yếu xoay quanh việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.

Tại Hội nghị trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TPHCM do UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM tổ chức ngày 12-4, hầu hết vướng mắc được các TCTD phản ánh chủ yếu xoay quanh việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.

Nhân viên giới thiệu với khách hàng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vướng trăm bề

Theo các ngân hàng, vẫn còn trì trệ trong tiến độ xử lý các vụ án kinh tế liên quan đến doanh nghiệp (DN). Để đem tài sản ra bán đấu giá phải trải qua nhiều giai đoạn, khâu thủ tục liên quan đến xác minh tài sản, cưỡng chế tài sản, cách định ranh, đo vẽ lại tài sản, thẩm định giá tài sản… luôn bị kéo dài thời gian so với quy định.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ, tại SCB có những vụ việc ngân hàng khởi kiện một DN vi phạm hoạt động tín dụng mà 4 năm nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Nguyên nhân là vì tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn là tài sản cho thuê và cơ quan chức năng không thể mời người thuê lên làm việc, nên tòa chưa thể xét xử. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngân hàng dẫn tới việc xử lý tài sản bảo đảm kéo dài, gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ xấu.

Đại diện Agribank Sài Gòn phản ánh, hiện ngân hàng này có các hồ sơ kê biên, xử lý tài sản thế chấp kéo dài 1 đến 2 năm vẫn chưa hoàn tất. Do đó UBND TPHCM cần có quy định cụ thể về thời gian tối đa đối với việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án.

Một số ngân hàng còn cho biết, dù bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đã nêu rõ, khách hàng không trả nợ theo đúng thời gian cam kết thì cơ quan thi hành án có quyền phát mãi tài sản đảm bảo, nhưng thực tế một số chấp hành viên cơ quan thi hành án vẫn yêu cầu các đương sự thỏa thuận lại thời hạn trả nợ và cho khách hàng gia hạn thời gian trả nợ trước khi có quyết định kê biên, cưỡng chế, phát mãi tài sản, dẫn đến việc xử lý tài sản thu hồi nợ bị kéo dài…

Thêm một vướng mắc nữa được các ngân hàng phản ánh là thời gian đăng ký giao dịch đảm bảo là 3 ngày làm việc nhưng thực tế có nhiều địa phương thực hiện đến 4-5 ngày. Trong khi chỉ giải quyết trễ một ngày, sẽ kéo theo thiệt hại về lãi suất lớn và gây phiền hà cho DN. Hiện một số quận như Bình Thạnh, quận 7, quận 11 đã rút ngắn thời gian trả kết quả chỉ trong 1 ngày. Lý giải việc chưa thể rút ngắn thời gian cho thủ tục này tại 24 quận, huyện, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, 3 quận rút ngắn được thời gian trả kết quả là do có máy móc, trang thiết bị, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại nên liên kết cơ sở dữ liệu thuận lợi. Các quận, huyện còn lại chưa có điều kiện trang bị để kết nối với Văn phòng đăng ký đất TP nên chưa thể rút ngắn thời gian. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP, kinh phí đầu tư cả máy chủ, thiết bị lẫn phần mềm dự án cho hệ thống kết nối này khoảng 20 tỷ đồng.

Tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu

Trước những bất cập liên quan đến pháp lý cũng như các vấn đề xung quanh việc xử lý tài sản đảm bảo, ông Phan Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, kiến nghị nên cho phép những khoản vay phát sinh nợ xấu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nên để ngân hàng đưa ra trọng tài kinh tế giải quyết. Với trường hợp phải đưa ra tòa án thì nên cho ngân hàng thương mại được phép tự lựa chọn toà án tốt để xử lý vụ việc. Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, kiến nghị cơ quan chức năng cho chuyển nợ thành vốn góp. Theo ông Tuệ, cách làm này đã có trên thực tế nhưng lại chưa đủ hành lang pháp lý để thực hiện. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn tăng trưởng và phát triển, các TCTD cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo sở ngành liên quan hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thi hành án, tòa án và xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTC trong công tác xử lý nợ xấu và thu hồi nợ.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Phước Thanh cho rằng, thời gian qua, dư luận phê phán ngành ngân hàng để nợ xấu cao, nhưng chưa công bằng trong việc nhìn nhận, nguyên nhân một phần cũng do vướng cơ chế xử lý nợ xấu, bên cạnh những rủi ro về đạo đức cán bộ ngân hàng. Phó Thống đốc cho hay, NHNN đang trình Chính phủ để có cơ hội trình lên Quốc hội sửa đổi cơ chế pháp lý để xử lý nợ xấu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, nhiều năm qua, UBND TP xác định ngân hàng là một trong 9 ngành dịch vụ của TP, đồng thời là mạch máu của nền kinh tế. Sự phát triển và lớn mạnh của ngành ngân hàng là động lực quan trọng để góp phần đưa kinh tế TP phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đóng góp rất lớn cho quá trình tăng trưởng kinh tế của TP. Hiện nay, trên địa bàn TP có 2.083 tổ chức tín dụng và chính sự hoạt động của các ngân hàng và hiệu quả của các ngân hàng đã tạo nên thị trường tiền tệ của TP.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, trách nhiệm của TP là hỗ trợ cho các TCTD hoạt động hiệu quả và cam kết sẽ giải quyết các kiến nghị của TCTD liên quan. Riêng đối với những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, UBND TP sẽ có cuộc họp với tất cả các đơn vị, cơ quan liên quan để từ đó các bên có sự phối kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau để xử lý, tạo mọi điều kiện để ngân hàng thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. TP cũng sẽ đáp ứng nhu cầu trang bị máy móc và phần mềm cho các quận huyện, nhằm rút ngắn việc xử lý hồ sơ, giải quyết sự đình trệ trong thủ tục hành chính.

Báo cáo từ NHNN chi nhánh TPHCM, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong quý 1-2017 tiếp tục ổn định. Tổng huy động vốn của các TCTD tại TPHCM tính đến 31-3-2017 tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng tăng 3% so với cuối năm 2016 và tăng 19,15% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2-2017, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tại TPHCM là 3,67%, trên tổng dư nợ. Tuy nhiên nếu trừ 3 ngân hàng 0 đồng là GPBank, CBank và OceanBank  thì tỷ lệ nợ xấu còn 1,96%.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục