Mới đây, một phụ nữ (47 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) bị suy hô hấp nguy kịch sau khi hút mỡ, tạo hình thành bụng tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (số 666 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình). Trước đó, 2 người khác bị nguy kịch, phải chuyển Bệnh viện Quân y 175 điều trị sau khi nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Korea - Sao Hàn (số 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10)...
Dư luận đặt câu hỏi, quy trình đảm bảo an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ hiện nay thế nào? Trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao khi vẫn còn tình trạng cơ sở thẩm mỹ hành nghề sai luật? Theo quy định của pháp luật, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn, như nhấn mí, tiêm filler, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ… phải được cấp phép và chỉ được thực hiện tại bệnh viện. Những bệnh viện thẩm mỹ phải trải qua khâu thẩm định của Sở Y tế với những yêu cầu khắt khe, được đánh giá chặt chẽ mới được cấp phép. Sau khi cơ sở đi vào hoạt động, Sở Y tế phải kiểm tra đột xuất không chỉ về thủ tục giấy tờ mà còn cả trình độ và việc cập nhật kiến thức của bác sĩ… Quy định nghiêm ngặt là vậy, nhưng thực tế vẫn phát hiện các bệnh viện thẩm mỹ sai phạm liên tiếp.
Nhiều bài học nhãn tiền, với cái giá phải trả quá đắt, thậm chí bằng cả mạng sống. Có hay không sự buông lỏng quản lý, thậm chí là “bảo kê” để những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, những bệnh viện thẩm mỹ có chuyên môn yếu vẫn được tồn tại?