Theo báo cáo của quận Tân Phú, năm học 2017-2018, tổng số học sinh lớp 9 đang theo học trên địa bàn quận là 6.355 học sinh nhưng chỉ có 38 giáo viên dạy nghề phổ thông, trong đó có 78,95% người đạt trình độ đại học, 21,05% trình độ cao đẳng.
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường có nhiều hình thức phong phú như tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa tại các làng nghề, tổ chức ngày hội triển lãm, tư vấn nghề nghiệp và hướng nghiệp cho phụ huynh... Tuy nhiên, do hiện nay tài liệu hướng nghiệp còn ít, thông tin chưa được cập nhật, giáo viên còn thiếu và chưa được bồi dưỡng chuyên sâu, trang thiết bị không đáp ứng đủ nhu cầu, điều kiện thời gian và cơ sở vật chất phục vụ tư vấn còn nhiều hạn chế, cộng với tâm lý trọng bằng cấp của một bộ phận không nhỏ phụ huynh, khiến tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký học trung cấp và cao đẳng (hệ 9+5) từ năm học 2014-2015 đến nay vẫn chưa đến 10%.
Trước thực tế đó, với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng học sinh, tạo hiệu quả sâu rộng trong phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế của bản thân, gia đình và xã hội, Phòng GD-ÐT quận Tân Phú kiến nghị ngành chức năng hàng năm có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên phụ trách.
Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng cần quan tâm hơn việc phát triển chương trình liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng và đại học, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đầu ra của học sinh sau khi được phân luồng, cũng như đảm bảo cơ hội tìm việc làm cho các em để thu hút thêm nhiều người học, góp phần thực hiện có hiệu quả Ðề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở của TPHCM.