Nghịch lý thuế giảm, giá bán tăng
6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu trên địa bàn cả nước chỉ đạt 12.380 chiếc, giảm mạnh 75,7% về lượng và 68,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được khơi thông, những tháng cuối năm 2018 lượng xe nhập khẩu tăng vọt trở lại.
Kết thúc năm 2018, lượng xe nhập khẩu lẫn sản xuất lắp ráp trong nước vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, cộng thêm lợi thế thuế nhập khẩu giảm mạnh. Thế nhưng, hiện tại, khi chỉ còn 3 tuần nữa là đến tết, ai cũng muốn mua xe mới chạy tết, thì nghịch lý đang xảy ra, đó là trong thời điểm hiện nay người tiêu dùng muốn mua xe phải chờ dài cổ, còn muốn nhận xe trước Tết Nguyên đán thì phải chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. “Bán xe kèm phụ kiện, hay dân buôn bán xe thường nói vui “bia kèm đậu phộng”, không phải hiện tượng hiếm gặp trong thời gian gần đây.
Giá xe khó giảm
Tương tự, các mẫu xe như Toyota Rush, Land Cruiser Prado, Honda CR-V, Ranger bản Raptor cũng lần lượt có mặt trong danh sách “bia kèm đậu phộng”. Thậm chí, mẫu Xpander dù được thông báo bán đúng giá niêm yết, xếp hàng chờ xe theo thứ tự đặt cọc, nhưng vẫn có nơi gợi ý “lắp chênh” khoảng 30 triệu đồng để nhận sớm.
Nhìn chung, hầu hết đại lý đều trả lời phải chờ tới tháng 3-2019 mới có xe giao, nếu ký hợp đồng mua trong tháng 11-2018. Còn muốn lấy xe trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chỉ có cách mua lại suất của người đã ký hợp đồng cách đây 2 tháng. Theo lý giải của nhân viên kinh doanh các đại lý ô tô, do mỗi tháng một đại lý chỉ nhận được khoảng 20 xe các phiên bản, có khi chỉ một vài chiếc, trong khi nhu cầu hiện cao gấp 2 - 3 lần, nên không thể đáp ứng đủ.
“Nguyên nhân xe không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng là do gặp khó khăn trong việc nhập khẩu hồi đầu năm, các hãng đã ngừng đặt hàng tại nhà máy ở Indonesia và Thái Lan. Nửa cuối năm, mọi khó khăn được giải quyết, các doanh nghiệp mới tiếp tục đặt hàng trở lại. Nhưng các nhà máy này còn sản xuất xe phục vụ cho nhiều thị trường, không chỉ riêng Việt Nam, nên lượng xe đặt hàng không được nhiều”, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu ô tô Thanh Bình (quận 12) Trần Thanh Bình phân tích.
Với diễn biến hiện nay, thị trường ô tô rất khó có thể giảm giá, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua xe của người dân tăng cao. Việc điều chỉnh giá bán, chỉ đến với những mẫu xe có doanh số không khả quan. Chưa kể, thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều biến động sau khi loạt dự thảo đang được xem xét, như tăng lệ phí trước bạ đối với xe bán tải, ô tô trên 1,5 tỷ đồng có thể bị đánh thuế tài sản…
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS Trần Văn Cường, Đại học Quốc gia TPHCM, nếu dự thảo này được Chính phủ thông qua, người tiêu dùng sẽ phải đóng lệ phí trước bạ lần đầu cao gấp 3 - 4 lần so với hiện tại, đồng nghĩa với giá nhiều dòng xe sẽ tăng lên. Chỉ có một kỳ vọng, hiện nay Hiệp định CPTPP đã được 11 quốc gia thành viên ký kết và chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019. Theo đó, dòng xe của các nước trong khối CPTPP khi vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất 0% và ngược lại.
Hiện trong khối các nước CPTPP, Việt Nam đang nhập khẩu ô tô từ 2 nước là Nhật Bản và Canada. Hiệp định được ký kết, người tiêu dùng hy vọng giá xe sẽ giảm sâu. Tuy nhiên, nhiều người cũng không còn mấy lạc quan về điều này, sau khi bị vỡ mộng xe giá rẻ với việc thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% trước đó.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ô tô của toàn thị trường Việt Nam cả năm 2018 tăng trưởng hơn con số 273.000 xe tiêu thụ trong năm 2017. Trong đó, đáng chú ý ô tô du lịch có xu hướng tăng cao, còn xe thương mại và xe chuyên dụng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. |