Lợi cả đôi đường
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là Thông tư 21), có hiệu lực từ ngày 15-1-2020.
Theo lãnh đạo Phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, trường được thí điểm tự chủ từ năm 2015 và trong đó được cho tự chủ in phôi bằng nên có một số thuận lợi hơn trước đây, như: linh động trong việc in, cấp phát bằng đúng thời hạn theo quy định; sửa chữa kịp thời khi văn bằng có sai sót, hoặc hủy hay cấp lại.
Để làm được việc này, nhà trường phải xây dựng quy trình rất chặt chẽ vì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý văn bằng, chứng chỉ. Cụ thể như phải xây dựng quy trình về thiết kế, công bố mẫu báo cáo với Bộ GD-ĐT, công an... Trong trường hợp in sai, phải tổ chức họp, tiêu hủy với đầy đủ các thủ tục chứ không hề đơn giản.
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng việc để các trường tự chủ trong in, cấp văn bằng chứng chỉ cho người học là đúng, bởi lẽ văn bằng phải xuất phát từ nơi đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay cái khó là làm sao để quản lý tốt. Các trường được bao cấp đã quen nên giờ lúng túng. Do đó, Bộ GD-ĐT phải có quy định hướng dẫn, nhất là khâu kiểm tra chéo giữa các trường, để tránh tình trạng cấp bằng loạn xạ, không đúng đối tượng như vừa qua xảy ra ở một số trường ĐH.
Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Thông tư 21 cho các cơ sở đào tạo cấp phát văn bằng là phù hợp với thông lệ của quốc tế. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo lẫn người học, các trường không phải chịu cảnh chờ đợi, báo cáo, mua phôi bằng, người học không bị cảnh mòn mỏi chờ cấp bằng như trước đây.
Đừng để cấp bằng vô tội vạ
Mục 4, Điều 3 của Thông tư 21 quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”. Tiếp đó, tại Điều 10 cũng quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ thiết kế mẫu, in phôi văn bằng giáo dục ĐH”.
Thông tư 21 quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên phê duyệt mẫu phôi văn bằng; gửi mẫu phôi văn bằng cho Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý trực tiếp, công an tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở giáo dục đóng trụ sở chính để báo cáo. Sau thời gian ít nhất 30 ngày làm việc kể từ khi gửi báo cáo, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên công bố công khai mẫu văn bằng trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, tổ chức in phôi văn bằng, chịu trách nhiệm về nội dung in trên phôi văn bằng. |
“Đặc biệt, cơ quan quản lý giáo dục phải xử lý nghiêm mọi hiện tượng gian dối trong đào tạo và cấp bằng, để bảo vệ lợi ích người học và xã hội. Lưu ý các chương trình liên kết đào tạo, nếu không siết chặt quản lý, thì việc tự chủ in bằng thiếu kiểm soát sẽ tiếp tay cho việc gian dối”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Là một trong những đơn vị được tự chủ in và cấp bằng lâu nhất của cả nước, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM), nhìn nhận Thông tư 21 là rất đúng đắn nhưng phải kiểm soát. Trước hết, đối với bằng giả (không phải của các cơ sở đào tạo in và cấp) có thể kiểm tra, đối chiếu ngay trên website của các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải công khai minh bạch đầy đủ mọi thông tin về mẫu, phôi bằng, số hiệu phôi bằng... đã cấp cho người học để thuận lợi trong việc kiểm tra, đối chiếu.
Đối với tình trạng cấp bằng vô tội vạ do tuyển sinh vượt chỉ tiêu, đào tạo không có chất lượng, thì phải kiểm soát bằng các quy định pháp luật như kiểm định chất lượng (điều kiện xác định chỉ tiêu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...) và xử phạt nghiêm khắc.