Đơn cử, tại phường Cẩm An chỉ khoảng có 5% hộ đăng ký sử dụng nước thủy cục, đồng nghĩa 95% hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn phường khai thác nước ngầm sử dụng.
“Đa phần những khu vực đất cát, người dân và doanh nghiệp bơm nước ngầm dùng, hoặc nếu có lắp đồng hồ thì cũng sử dụng rất ít, như kiểu đối phó. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm rất nguy hiểm, vì túi nước ngầm có giới hạn, nhưng dường như việc khai thác này không có ai kiểm tra, theo dõi chặt chẽ”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, không riêng các doanh nghiệp du lịch tại phường Cẩm An, một số khách sạn ven biển từ Điện Bàn trở vào Hội An như khách sạn The Nam Hải bao năm nay cũng từ chối sử dụng nước nhà máy.
Trên địa bàn phường Cẩm An hiện có gần 20 nhà hàng, khách sạn và khu resort hoạt động đón khách nên khối lượng nước tiêu thụ rất nhiều, nhất là thời điểm nắng nóng như những ngày qua.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện tại việc cấp phép khai thác nước ngầm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (đối với hạn mức sử dụng 10 khối/ngày đêm trở lên), thành phố hầu như không biết được việc này.
“Hiện nay, thành phố mới chỉ đánh giá sơ bộ nước ngầm tại đảo Cù Lao Chàm, còn trong đất liền vẫn chưa có một khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng nước ngầm một cách khoa học. Vì vậy, để biết được tác hại của việc khai thác nước ngầm thế nào trước tiên phải có số liệu điều tra về trữ lượng, tác động… để làm cơ sở đối chiếu so sánh, sau đó mới kiến nghị tỉnh về việc quản lý nước ngầm, mà với tầm của Hội An thì việc khảo sát điều tra là rất khó. Tất nhiên, nếu khai thác nước ngầm quá mức sẽ không tốt”, ông Hùng nhìn nhận.
Theo đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam, hiện tại UBND tỉnh đã ngưng cấp giấy phép khai thác nước ngầm và ngưng gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm cho doanh nghiệp khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố Hội An. Do đó, những đơn vị khai thác nước ngầm hiện nay là vi phạm.