2023 được dự báo là năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, thậm chí có thể rơi vào suy thoái trong 2023. Với độ mở lên đến hơn 200% GDP, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế toàn cầu.
Những thách thức đã nhìn thấy
Các số liệu trong lịch sử cho thấy, mỗi khi kinh tế thế giới hay khu vực gặp vấn đề, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, hay dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại đáng kể, ở mức dưới 6%.
Bên cạnh nguy cơ tăng trưởng chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng cũng là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong năm sau. Mặc dù tính trung bình CPI chỉ tăng khoảng 3% trong năm 2022, nhưng lạm phát so với cùng kỳ đã ở mức hơn 4%. Lạm phát cơ bản cũng đang ở mức cao, trung bình 0,4%/tháng, tương đương 4,8%/năm, do tác động từ giá cả nguyên vật liệu trên thế giới gia tăng, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư bùng nổ sau đại dịch, cũng không loại trừ các tác động từ việc nới lỏng tiền tệ trong các năm trước. Sang năm 2023 áp lực lạm phát sẽ lớn hơn so với 2022, do có thêm tác động từ việc VNĐ giảm giá khoảng 8-9% so với USD.
Thách thức nữa liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2022, hy vọng để các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán, dù thông qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, là không nhiều. Trong khi đó, kênh tín dụng ngân hàng cũng đã đạt đến giới hạn, khi tỷ lệ nợ BĐS lên đến 20% tổng tín dụng. Bởi vậy, trong năm 2023 thị trường BĐS nhiều khả năng rơi vào tình trạng trầm lắng do thiếu nguồn lực, từ đó ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế như xây dựng, sản xuất sắt thép, đồ nội thất…
Trong khi nền kinh tế dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, dư địa chính sách lại không còn nhiều. Đây cũng là thách thức không nhỏ. Quy mô cung tiền và tín dụng so với GDP hiện đã ở mức cao, thậm chí là mức giới hạn, nên nếu nới lỏng hơn nữa không ai có thể đảm bảo lạm phát và nợ xấu sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý. Trong khi đó, chính sách tài khóa, dù còn một ít dư địa nhưng lại gặp khó khăn trong việc giải ngân.
Những cơ sở để kỳ vọng
Mặc dù những dự báo, nhận định nói trên có phần bi quan, song vẫn có hy vọng mọi thứ sẽ không quá xấu trong năm 2023. Hiện nay lạm phát tại các nước phát triển, điển hình là Mỹ, nhiều khả năng đã đạt đỉnh. Trong khi đó, lãi suất dù tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng chưa ở mức quá cao. Nguy cơ suy thoái toàn cầu vì vậy có thể tránh được, nếu các NHTW dừng chính sách thắt chặt tiền tệ đúng lúc.
Hy vọng khác đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới - có thể tiếp tục nới lỏng chính sách zero covid và tăng cường kích thích kinh tế, bao gồm cả việc giải cứu thị trường BĐS. Nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi, không chỉ tổng cầu thế giới được cải thiện, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng cũng sẽ được khắc phục. Kinh tế Ấn Độ hiện nay cũng được coi là điểm tựa cho kinh tế toàn cầu trong năm tới. Nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 không phải không có hy vọng đạt được.
Đối với lạm phát, dù đang tăng tốc nhưng áp lực từ giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới trong năm 2023 có lẽ không lớn, khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Áp lực từ tỷ giá trong năm tới được dự báo giảm khi chỉ số USD index nhiều khả năng đã đạt đỉnh. Nếu xu hướng giảm giá của đồng USD so với VNĐ diễn ra, áp lực của tỷ giá lên lạm phát nhập khẩu sẽ giảm theo. Nói cách khác, giá cả có thể sẽ tăng chậm lại, và mục tiêu lạm phát khoảng 4,5% trong năm 2023 vẫn có thể được hoàn thành. Xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế và trong nước cũng sẽ giúp giảm động cơ găm giữ ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Nếu điều này xảy ra, NHNN hoàn toàn có thể trở lại mua ròng USD trong năm 2023 để tăng dự trữ ngoại hối, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống NHTM, từ đó giảm áp lực đối với lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Đối với thị trường BĐS, những diễn biến trên thị trường cho thấy các giải pháp mang tính thị trường đang phát huy vai trò của mình. Nếu các quan hệ kinh tế không bị hình sự hóa, các trái chủ và nhà phát hành hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận về cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm giãn nợ, trả nợ từng phần hay đổi nợ lấy cổ phần… Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS, Chính phủ cũng cần tháo gỡ những thủ tục rườm rà, không cần thiết để các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các dự án, đưa vào kinh doanh, tạo doanh thu và có nguồn để trả nợ.
Ngoài ra, thị trường BĐS cũng sẽ thu hút được thêm nguồn lực để phát triển trong năm tới, nếu giá BĐS và giá cổ phiếu BĐS giảm về mức hấp dẫn. Tất nhiên, khi các giải pháp mang tính thị trường được áp dụng, một số doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thua lỗ, thậm chí phá sản. Nói cách khác, các doanh nghiệp BĐS, muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, sẽ phải chia sẻ lợi ích với các chủ thể khác trên thị trường. 2023 không phải là năm để lạc quan về nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp BĐS nói riêng. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để kỳ vọng những khó khăn dần được khắc phục, để cuối cùng nền kinh tế đạt được những mục tiêu đã đề ra.