Một cuộc thăm dò của Dimap Infratest cho truyền hình ARD công bố hôm 5-4 cho thấy chỉ có 32% người được hỏi hài lòng với chính phủ. Những bất đồng đang trỗi dậy trong nội các, điển hình là việc Bộ trưởng Nội vụ thuộc đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU, trong liên minh với đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo CDU), ông Horst Seehofer, hồi tháng 3 cho rằng Hồi giáo không thuộc về nước Đức - một bình luận gây phản ứng với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng nằm trong chính phủ liên minh. Những tranh cãi về ngân sách, nhập cư giữa CDU/CSU và SDP cũng tiếp tục gay gắt.
Sau 6 tháng bế tắc kể từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2017, bà Merkel ý thức rõ rằng cử tri mong muốn chính phủ giải quyết nhanh chóng các vấn đề về kinh tế, xã hội và an ninh. Cuộc họp nội các Đức vào ngày 10-4, bà Merkel còn mời cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Đây là cách để bà Merkel cho thấy tầm quan trọng của một chính phủ ổn định tại quốc gia lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Một trong những trọng tâm của cuộc họp Chính phủ Đức lần này là nỗ lực cải cách EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc tăng lên, mối quan ngại về an ninh và các bước đi khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump với EU. Cùng với việc đồng ý tăng cường chính sách ngoại giao và quốc phòng của EU, Chính phủ Đức phải nâng cao mức đóng góp của nước này cho ngân sách của EU sau khi Anh rời EU, bên cạnh đó là việc thành lập một quỹ tiền tệ của riêng châu Âu để giải cứu các nước bị khủng hoảng kinh tế tài chính.
Vấn đề khó khăn không kém là chính sách nhập cư. Bộ trưởng nội vụ mới Horst Seehofer đã thề sẽ nhanh chóng đưa ra một “kế hoạch tổng thể” để tăng tốc độ trục xuất người nhập cư không đủ tiêu chuẩn. Thủ tướng Merkel nói rằng bà tiếp tục mong đợi các quốc gia thành viên tham gia chia sẻ người tị nạn khi ngày càng nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu phản đối. Song song đó, bà Merkel cho thấy sự cần thiết phải giải quyết “nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư” bằng cách tăng viện trợ phát triển cho các nước đông người di cư, đồng thời bảo đảm an ninh tốt hơn cho các biên giới bên ngoài khối EU. Điều này lại đồng nghĩa với việc Đức phải gia tăng viện trợ, một yêu cầu rất khó trong Quốc hội gồm SPD và đảng cực hữu AfD chứ không phải đa số CDU/CSU như trước.
Thêm vào đó, dữ liệu từ Chính phủ Đức cho thấy xuất khẩu của nước này giảm đột ngột trong tháng 2, ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong hơn 2 năm qua và thu hẹp thặng dư thương mại của nước này. Nguyên nhân có thể là do đồng EUR tăng giá làm cho hàng hóa của Đức đắt hơn bên ngoài khu vực đồng EUR. Ngoài ra còn do tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng ảnh hưởng đến triển vọng đối với các nhà xuất khẩu Đức. Tạp chí Spiegel cho rằng Thủ tướng Angela Merkel đang cần đến kinh nghiệm của mình trong suốt 2 nhiệm kỳ trước để tạo ra tinh thần đồng đội trong nội các mới ở nhiệm kỳ thứ ba vì sau gần 1 tháng thành lập chính phủ, dường như “tuần trăng mật” đã chấm dứt.