Gần 6 tháng sau khi phát sóng tập đầu tiên, nhóm chia sẻ đây là tập phim ngoại truyện của phần phim đã phát sóng hồi 1 “Tử chiến thành Đa Bang”. Nếu “Tử chiến thành Đa Bang” tái hiện cuộc chiến bi hùng của vua tôi nhà Hồ với ngoại xâm giặc Minh, thì “Huyết mạch Trần gia” tua ngược thêm 100 năm nữa về giai đoạn cuối triều Trần giữa lúc suy tàn.
Một trong những động lực rất lớn cổ vũ tinh thần cho nhóm là sự ủng hộ của khán giả. "Rất cuốn hút, lời thoại rất chất, cảnh phim rất tạo hiệu ứng. Người trẻ còn mong gì hơn thế cho những khô khan đã chịu đựng vừa qua?" Đó là nhận xét của anh Dũng Phan – tác giả cuốn sách “Sử Việt 12 khúc tráng ca”, cuốn sách lịch sử hiện tượng của năm 2017 khi nói về dự án Việt sử kiêu hùng.
Tuy nhiên, chia sẻ về quá trình thực hiện dự án Việt sử kiêu hùng, nhóm cho biết kinh phí và nhân lực đang là hai khó khăn lớn nhất.
“Sự thật là để có được 15 phút trên phim, chúng mình mất tới cả tháng trời để tìm đọc và nghiên cứu sử liệu. Tài liệu tiếng Việt thôi không đủ, nhóm còn phải tìm đọc thêm các tài liệu tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp... để có được các góc nhìn khách quan nhất về thời đại và các nhân vật lịch sử. Thông tin nhiều rồi thì phải quyết định lựa chọn xem cái nào sẽ kể trên phim, cái nào không, và kể như thế nào cho hấp dẫn” – Trần Tuấn, người khởi xướng dự án chia sẻ.
Đấy là mới riêng khâu nghiên cứu sử liệu, theo sau là cả chục khâu khác như lên kịch bản phân cảnh, thoại, phác thảo storyboard, vẽ máy, lên màu, làm chuyển động animation, dựng phim, lồng tiếng, âm nhạc, âm thanh, hiệu ứng... và vô số các công việc không tên khác. Để làm chuyên nghiệp thì khâu nào cũng cần đầu tư hết sức tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, chưa kể làm ra rồi còn phải sửa đi sửa lại cho tới khi đạt yêu cầu.
Dự án Việt sử kiêu hùng hiện có 8 thành viên chính thức làm việc toàn thời gian và đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ. Những lúc cao điểm có khi lên tới gần 30 người, có những bạn ở xa như Hà Nội, Đà Nẵng, thậm chí có những bạn ở nước ngoài như Nhật, Đức... cũng rất nhiệt tình góp sức cho dự án. Chỉ tính riêng chi phí vận hành cơ bản (ăn uống, đi lại, máy móc thiết bị, vật liệu…) đã lên tới 150 triệu đồng/tập phim, chưa kể cả nhóm vẫn đang làm việc hoàn toàn không lương với sự hỗ trợ hết mình cũng hoàn toàn miễn phí từ các đối tác.
Song song với “Tử chiến thành Đa Bang”, nhóm cũng đang thực hiện series phim phóng tác dã sử hợp tác với biên kịch Phạm Vĩnh Lộc và Đạt Phi Media, đã phát sóng được 2 tập (Võ Tánh, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành – Phần 1). Nhóm hy vọng sau khi phát sóng “Huyết mạch Trần gia”, sẽ được nhiều đơn vị, nhà đầu tư quan tâm hơn và đầu tư cho dự án.