
Từ ngày 1-7-2004, tại TPHCM, có 8 tòa án nhân dân (TAND) quận được tăng thẩm quyền xét xử hình sự với mức án từ 7 năm đến 15 năm – gồm TAND các quận 1, 3, 5, 8, 9, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp. Sau hơn một năm thực hiện tăng thẩm quyền xét xử, TAND 8 quận này đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ án hình sự mà TAND TPHCM phải giải quyết. Tuy nhiên về phần mình, các tòa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lúng túng.
- Vẫn nỗi lo về nhân sự và trụ sở

Một phiên tòa dân sự tại TAND quận Phú Nhuận.
Ngay từ ban đầu, nỗi lo chung của lãnh đạo TAND các quận được chọn thực hiện thí điểm tăng thẩm quyền xét xử là cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu công tác. Đến nay, hầu như tình hình chưa cải thiện được bao nhiêu.
Ông Trần Ba, Chánh án TAND quận 5, cho biết hiện tòa vẫn phải “sống chung” với Viện Kiểm sát quận, phòng xử án vừa thiếu vừa nhỏ so với yêu cầu, phương tiện phục vụ công tác xét xử không đủ. Mặc dù thành phố đã có chủ trương cho phép TAND quận xây dựng trụ sở mới nhưng đến nay, đề án vẫn chưa được triển khai. Tình hình cũng tương tự tại TAND các quận 10, Gò Vấp…
Tại các quận 3, 9, Phú Nhuận, tuy trụ sở khá khang trang do mới được xây dựng năm 2002 – 2003 nhưng phòng xử quá ít và thiết kế không phù hợp với yêu cầu về hình thức của phòng xử án. Ông Trần Đình Thu, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận, ưu tư: “Nhiều lúc anh em ngồi xét xử mà mướt mồ hôi vì phòng xử quá chật, quá nóng”.
Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, các tòa án trên còn phải đối mặt với khó khăn về nhân sự. Tại 8 tòa này, hiện chỉ có 65 thẩm phán, 111 thư ký và 24 cán bộ, công chức khác, trong khi lượng việc thụ lý ngày càng nhiều, tính chất vụ án phức tạp hơn trước. Tăng thẩm quyền xét xử đồng nghĩa với yêu cầu năng lực, trình độ của cán bộ tòa phải được nâng lên để giải quyết án “tầm cao”, thế nhưng chế độ đãi ngộ cho cán bộ tòa lại quá “hẻo”. Cụ thể, chế độ bồi dưỡng phiên tòa đối với thẩm phán – chủ tọa là 15.000 đồng/người/ngày, đối với thẩm phán phụ xử và thư ký chỉ là 10.000đồng/người/ngày. Điều này cũng phần nào khiến các cán bộ tòa chưa hết lòng với công việc của mình.
- Lúng túng trong xét xử
Các TAND cấp quận từ trước đến nay chỉ giải quyết những vụ án ít nghiêm trọng (có mức án từ 7 năm tù trở xuống), giờ phải giải quyết những vụ án phức tạp, xét xử nhiều loại tội phạm hơn nên đã gặp nhiều lúng túng về nghiệp vụ. Kết quả các đợt kiểm tra của TAND TPHCM cho thấy do chưa có kinh nghiệm xét xử nên trong một số vụ án, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chưa cao và hội đồng xét xử tuyên bản án chưa chính xác. Các vụ này thường rơi vào án liên quan đến ma túy, án cướp giật, lừa đảo, đánh bạc, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, án có liên quan đến đất đai, nhà cửa…
Ngoài ra, một số TAND quận chưa quen với việc xét xử tội phạm ở khung hình phạt có nhiều tình tiết tăng nặng và có khung hình phạt quá rộng (ví dụ Điều 136 Bộ luật Hình sự về tội “Cướp giật tài sản”, khoản 2 quy định phạt tù từ 3 năm đến 10 năm – có 8 tình tiết tăng nặng định khung, khoản 3 quy định phạt tù từ 7 năm đến 15 năm – có 3 tình tiết tăng nặng định khung) hoặc vụ án có yếu tố về định lượng, vì vậy thường gặp lúng túng khi lượng hình, từ đó ra bản án quá nặng hay quá nhẹ so với tính chất, mức độ của tội phạm. Chưa kể trong đánh giá loại tội phạm có tổ chức, có tòa còn áp dụng khung hình phạt thiếu chính xác.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2007, TPHCM sẽ thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho tất cả TAND quận – huyện cả về án hình sự lẫn án dân sự. Chỉ mới áp dụng tăng thẩm quyền thí điểm đối với án hình sự đã xảy ra những vướng mắc trên, thì khi áp dụng đối với án dân sự (vốn phức tạp hơn nhiều so với án hình sự) không biết sẽ còn phát sinh những vấn đề gì. Vì vậy nếu ngay từ bây giờ, những khó khăn nêu trên không được giải quyết, các lúng túng về nghiệp vụ xét xử không được hướng dẫn cụ thể thì e rằng việc tăng thẩm quyền xét xử sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
ÁI CHÂN – NGUYỄN VINH