Tham vọng phát triển công nghiệp xe máy Việt Nam

Khó khăn còn ở phía trước

Không “ép” chỉ tiêu xuất khẩu
Khó khăn còn ở phía trước

Tuần qua, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phổ biến Quy hoạch phát triển công nghiệp xe máy Việt Nam đến năm 2015 có xét đến năm 2020. Mục đích của lần này là lắng nghe ý kiến và giải đáp cũng như băn khoăn của các doanh nghiệp xung quanh nội dung bản quy hoạch để tìm hướng phát triển ngành công nghiệp xe máy.

Không “ép” chỉ tiêu xuất khẩu

Khó khăn còn ở phía trước ảnh 1

Các dòng xe gắn máy của Gia Toàn YMH đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: H.T

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, nội dung bản quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu xe máy 300 triệu USD, đến năm 2015 là 500 triệu USD và đến năm 2020 là 1 tỷ USD… sẽ gây rất nhiều khó khăn cho họ.

Nếu điều này được coi như là một “hạn ngạch” bắt buộc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của các công ty, từ việc thay đổi mẫu mã, chủng loại, hình thức kinh doanh. Cùng với đó chiến lược đầu tư dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn cũng phải điều chỉnh lại.

Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ khí Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công thương) khẳng định, sẽ không có chuyện phân bổ chỉ tiêu, hạn ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp mà đó chỉ là con số để toàn ngành phấn đấu. Còn đến khi thị trường không thể lớn hơn nữa thì các doanh nghiệp phải tự tìm đường xuất khẩu…

Tuy vậy, mục tiêu xuất khẩu mà bản quy hoạch đề ra không hẳn là không có cơ sở khi chúng ta đang tiến tới trở thành một trung tâm sản xuất, lắp ráp lớn trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng gần 3 triệu xe máy/ năm như hiện nay, chưa tính đến Piaggio đang triển khai sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, tiềm năng xuất khẩu là rất lớn. Nếu năm 2005 giá trị xuất khẩu xe máy và linh kiện mới chỉ là 70 triệu USD thì năm 2006 đã•đạt 100 triệu USD. Nếu cứ giữ đà tăng trưởng này thì mục tiêu đạt 300 triệu USD vào năm 2015 không phải là quá xa vời”.

Những rào cản...

Ông Phạm Vũ Tùng, phụ trách phát triển kinh doanh của Piaggio Việt Nam cho rằng, trong khi chúng ta đang định hướng đến việc phấn đấu sản xuất loại xe máy sử dụng năng lượng sạch để thay xăng thì trong các chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước lại chưa được đề cập đến trong bản quy hoạch từ những ưu đãi nghiên cứu đến hỗ trợ trong đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Đơn cử như việc Piaggio áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 nhưng ở châu Âu họ đã áp dụng Euro 4 thì làm sao có thể xuất khẩu ngược lại đó được. Bên cạnh đó cũng có ý kiến nêu ra một bất cập là trong khi quy định áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 từ ngày 1-7-2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan kiểm định… Hay chuyện ngược đời: “xe nhập khẩu chất lượng cao, tiêu chuẩn khí thải Euro 4 khi làm thủ tục nhập khẩu lại phải xuất trình giấy chứng nhận tiêu chuẩn khí thải Euro 2…”.

Theo ông Lê Hồng Lâm, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian qua có rất nhiều cơ sở sản xuất bị phát hiện vi phạm kiểu dáng công nghiệp nhưng cuối cùng những vụ việc này đều bị “chìm xuồng” sau một thời gian tranh cãi…

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Võ Minh Trang-Tổng Giám đốc Công ty Gia Toàn YMH Motor cho rằng, rất hoan nghênh chiến lượt phát triển xe máy này vì đã giúp doanh nghiệp có đủ thời gian và định hướng phát triển xe máy Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, ông Trang cũng cho rằng, việc kẹt xe hiện nay không hẳn xe gắn máy là nguyên nhân chính mà do cơ sở hạ tầng phát triển không kịp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo ông, nên sớm có quy định về niên hạn sử dụng xe gắn máy để loại bỏ những xe máy sử dụng quá lâu nhằm để đảm bảo an toàn giao thông và kích cầu sản suất xe máy mới. Còn việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp xe máy, cần phải có quy định rõ hơn về sự khác biệt và trùng lắp để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín các doanh nhiệp làm ăn chân chính.

Có những ý kiến còn nêu ra tình trạng “bất hợp tác” giữa ngành công nghiệp phụ trợ với các nhà sản xuất dẫn đến tình trạng yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, một lĩnh vực có tính chất quyết định đến mục tiêu nội địa hóa và chi phối sự thành công hay thất bại của nền công nghiệp sản xuất xe máy.

Một lo ngại của các doanh nghiệp sản xuất xe máy là chủ trương hạn chế xe máy tại các đô thị. Theo tiến sĩ Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, nếu nạn kẹt xe và TNGT vẫn kéo dài và khủng khiếp như hiện nay thì khó tránh khỏi các biện pháp hạn chế xe máy và khi đó thị trường trong nước cũng khó phát triển chứ chưa nói đến việc xuất khẩu… Rất tiếc trong bản quy hoạch này cũng chưa đề cập sâu đến vấn đề này.

Nguyễn Hoàng

Tin cùng chuyên mục