Trong bối cảnh Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa qua thông báo doanh số bán lẻ tháng 11 chỉ tăng 8,1%, mức tăng hàng tháng thấp nhất trong 15 năm qua cùng một loạt chỉ số kém lạc quan khác. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo khó khăn với kinh tế Trung Quốc không dừng lại ở đó.
3 đầu tàu thúc đẩy kinh tế
Theo mạng ftchinese.com, trên thị trường vốn và lĩnh vực tài chính Trung Quốc kể từ mùa xuân năm 2018 đến nay, môi trường huy động vốn của doanh nghiệp xấu đi, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn là cùng với thị trường vốn biến động sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc đã dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động huy động vốn bằng hình thức thế chấp cổ phiếu làm cho việc huy động vốn khó, huy động vốn với lãi suất cao của doanh nghiệp tư nhân nghiêm trọng hơn; ảnh hưởng mạnh đến môi trường kinh doanh và lòng tin của doanh nghiệp tư nhân.
Đối diện với áp lực bên trong và bên ngoài, trong đó có cuộc chiến thương mại với Mỹ, giới hoạch định chính sách trong nước đã đưa ra nhiều ý tưởng giữa làm thế nào ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thời gian qua đang chậm lại.
Điều này vừa có nguyên nhân mang tính chu kỳ, vừa có nguyên nhân mang tính kết cấu sâu sắc. Giá thành lao động tăng cao, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài và lợi tức đầu tư của ngành bất động sản dần giảm xuống, cùng với thực tế chưa hoàn toàn hình thành được tầng lớp trung lưu có thực lực mua sắm mạnh, khiến 3 đầu tàu thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển trong 30-40 năm qua (xuất khẩu ngoại thương, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng) xuất hiện những trục trặc ở các mức độ khác nhau.
Nhiều lực cản
Mô hình tăng trưởng kinh tế theo định hướng tập trung vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng trong hơn 10 năm qua cũng dần đối diện với ngày càng nhiều vấn đề và thách thức. Vai trò thúc đẩy của chính sách tài chính tiền tệ tích cực đối với tăng trưởng kinh tế cận biên dần yếu đi; vấn đề sản xuất dư thừa do đầu tư tập trung và thiếu hài hòa gây nên, sự chuyển biến xấu một cách nhanh chóng của vấn đề nợ, phân phối tài nguyên không minh bạch, tâm lý bất mãn trong xã hội gia tăng… được xem là những lực cản cho nền kinh tế Trung Quốc chuyển đổi mô hình phát triển thành công, thực hiện tăng trưởng bền vững.
Cùng với sự già hóa của kết cấu dân số, thu nhập bình quân đầu người và mức sống người dân Trung Quốc tăng lên, lực lượng lao động giá rẻ - động lực thúc đẩy quan trọng tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế Trung Quốc trước đó - sẽ không thể hỗ trợ Trung Quốc lặp lại kỳ tích tăng trưởng kinh tế như 30-40 năm qua. Hơn nữa, cùng với dân số già hóa, nguồn cung lực lượng lao động sẽ từng bước bị thu hẹp, áp lực trợ cấp toàn xã hội sẽ tăng dần.
Nhiều ý kiến lưu ý nợ quốc gia của Trung Quốc đã tăng rất nhanh từ mức 160% GDP trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 lên mức 260% GDP vào năm 2016. Nhiều nghiên cứu so sánh quốc tế về tăng trưởng kinh tế và rủi ro tài chính đã chỉ rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng và nợ của một quốc gia luôn là chỉ tiêu quan trọng đầu tiên của việc bùng phát khủng hoảng kinh tế tài chính.
Trung Quốc và Mỹ đã đạt tiến bộ mới về các vấn đề cán cân thương mại và sở hữu trí tuệ sau khi giới chức hai nước điện đàm trao đổi về các vấn đề liên quan cuối tuần qua. Quốc hội Trung Quốc cũng thông báo đang xem xét một luật mới điều chỉnh đầu tư nước ngoài nhằm ngăn chặn việc ép chuyển giao công nghệ và trao ưu đãi cho các công ty nước ngoài như với các công ty Trung Quốc. Mỹ và Liên minh châu Âu lâu nay vẫn phàn nàn về sự tiếp cận thiếu công bằng đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc hay việc “trộm cắp” tài sản trí tuệ tràn lan. |