Sự bi quan của người dân Anh đến từ hàng loạt vấn đề xuất hiện trong vài tháng qua như tình trạng thiếu nhiên liệu, trục trặc chuỗi cung ứng cho các siêu thị, nhà máy, khan hiếm lao động…
Xuất khẩu của Anh cũng giảm mạnh. Đây là điều đã được dự báo nhưng xuất khẩu sang các nước bên ngoài EU cũng giảm sút và sẽ còn xuất hiện thêm các yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng. London dường như rơi vào những cuộc tranh cãi triền miên với các láng giềng châu Âu, như đã thấy trong cuộc xung đột liên quan đến Bắc Ireland hay bất đồng với Pháp về quyền đánh cá - hồ sơ mà Pháp đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khởi động một vụ kiện tranh chấp hậu Brexit. Ở trong nước, Brexit cũng đã thổi bùng lên xu hướng đòi độc lập ở Scotland.
Trên bình diện đối nội, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng đối mặt với nhiều sóng gió. Cả nước Anh phẫn nộ sau khi các cuộc tiệc tùng tại số 10 phố Downing và nhiều bộ bị phơi bày trên báo chí cách đây 1 năm, thời điểm chính phủ áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch. Các đảng đối lập, đứng đầu là Công đảng, lên án thủ tướng và kêu gọi ông Johnson từ chức. Chính phủ Anh đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vấn đề này, kết quả sắp tới có thể có ý nghĩa quyết định với vận mệnh chính trị của Thủ tướng Johnson. Chủ tịch đảng Bảo thủ Oliver Dowden khẳng định, một khi báo cáo điều tra được hoàn tất, Thủ tướng Anh sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.