Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ rằng hoạt động của hội sân khấu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, từ kinh phí hoạt động đến vấn đề chế độ cho những người làm công tác hội. Hàng tháng, Ban Ái hữu phải tự xoay xở kinh phí hoạt động bằng cách kêu gọi sự góp sức của các mạnh thường quân và nghệ sĩ, nhưng càng về sau, số tiền ủng hộ giảm dần. Hội viên của hội hiện nay hơn 700 người, nhưng thực thu phí hội viên hàng năm chỉ có 10% đóng tiền hội phí. Lực lượng kết nạp mới thì ít, nghệ sĩ lớn tuổi mất lại nhiều.
Hiện tại, bình quân mỗi tháng Hội Sân khấu TPHCM nhận được số tiền mạnh thường quân ủng hộ (không ổn định) khoảng 20 triệu đồng. Với thực trạng khó khăn về kinh phí, hội đã thực hiện việc cho thuê trụ sở nhà truyền thống ở số 133 Cô Bắc, quận 1 (mặt bằng trệt và tầng 1), để mở quán cà phê từ giữa năm 2018. Bà Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, Trưởng ban Ái hữu, khẳng định toàn bộ kinh phí thu được từ việc cho thuê mặt bằng (mỗi tháng 4.250USD) đều được sử dụng vào mục đích tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng thang máy tại nhà truyền thống (hơn 830 triệu đồng), là nguồn kinh phí ổn định để thực hiện tốt việc chăm sóc 13 nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn đang sống tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ, ngoài ra, hội cũng chăm lo cho khoảng 50 nghệ sĩ nghèo là hội viên, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn với chi phí mỗi người là 200.000 đồng và 10kg gạo/tháng; riêng dịp tết, hội tổ chức tặng 200 phần quà cho nghệ sĩ nghèo. Còn kinh phí mấy trăm triệu đồng được UBND TPHCM, Sở VH-TT hỗ trợ chăm sóc nghệ sĩ khu dưỡng lão, hội giữ lại để phòng khi hữu sự (nghệ sĩ bệnh, nằm viện phải thuê người chăm sóc, tang gia…).
Khu dưỡng lão hiện nay đã xuống cấp rất nhiều, lầu 1 không sử dụng được, nhưng vì đây là đất công nên hội không thể tự sửa chữa hay xây dựng bất cứ công trình, hạng mục nào. Với diện tích 5.728m2, khu dưỡng lão chỉ có một dãy nhà để 13 nghệ sĩ già yếu neo đơn ở, sinh hoạt, Ban quản lý khu dưỡng lão cũng chỉ thuê một bảo vệ vì kinh phí eo hẹp.
Với vấn đề cho hay không cho nghệ sĩ quàn linh cữu tại khu dưỡng lão cũng gặp nhiều khó khăn: nghệ sĩ đã mất có phải là hội viên của hội hay không, việc cho bất cứ nghệ sĩ nào vừa mất cũng có thể được quàn tại khu dưỡng lão dễ sinh nhiều bất cập; trong đó có vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Có lúc một soạn giả vừa mất, đang được tổ chức tang lễ tại khu dưỡng lão thì bất ngờ một nghệ sĩ trong khu dưỡng lão cũng qua đời, cùng một lúc có hai đám tang nên linh cữu nghệ sĩ mất sau chỉ được quàn phía ngoài, đã gây ra những bức xúc không đáng có. Hơn thế nữa, khi tổ chức tang lễ, chuyện bày biện ăn uống, ca hát đêm cuối tiễn đưa ồn ào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghỉ ngơi của những nghệ sĩ lớn tuổi đang sống tại khu dưỡng lão… Vì có khá nhiều vấn đề bất cập trong việc tổ chức đám tang tại đây nên Ban Ái hữu đã quyết định tạm dừng việc quàn linh cữu nghệ sĩ qua đời tại khu dưỡng lão để tính toán lại quy chế tổ chức. Trong khi đó, từ lâu tại Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp) đã xây dựng nhà vãng sanh, bất cứ nghệ sĩ nào mất cũng có thể quàn tại đây miễn phí, nhưng có nhiều gia đình nghệ sĩ ngại đường sá xa xôi nên chỉ muốn được quàn nghệ sĩ tại khu dưỡng lão.
Trước những khó khăn bủa vây, cách đây không lâu, Ban Chấp hành Hội Sân khấu TPHCM đã đề xuất với lãnh đạo thành phố về việc cần có những kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết rốt ráo vấn đề tồn đọng của hội; tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn chưa có bước tiến triển. Một trong những trăn trở và mong mỏi của hội hiện nay chính là việc bàn giao lại Khu dưỡng lão nghệ sĩ về Sở LĐTB-XH TPHCM quản lý, như vậy sẽ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, mở rộng được đối tượng hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng đề xuất này hiện vẫn chỉ là mong mỏi và đúc kết lại bằng việc chờ đợi sự thống nhất từ các cơ quan, ban ngành có liên quan.