Ngày 12-8, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của hơn 30 NXB, công ty xuất bản và phát hành. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, qua đó cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 đối với xuất bản và phát hành hiện nay.
Nhiều nhà sách đóng cửa
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, trong nửa đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, giá giấy tăng cao nhưng các NXB vẫn duy trì nhịp độ sản xuất. Kết quả 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành xuất bản được 19.217 cuốn, với hơn 334 triệu bản (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020). Thống kê không đầy đủ, 6 tháng đầu năm, mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee... thành kênh chính, chiếm trên 65% thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, có chỗ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhiều cửa hàng, siêu thị sách tại Hà Nội, TPHCM phải đóng cửa hoàn toàn.
Tính đến đầu tháng 7-2021, Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã đóng cửa 80/117 nhà sách, doanh thu tháng 7-2021 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020, tháng 8-2021 có thể giảm sâu hơn. Doanh thu 6 tháng đầu năm của Alpha Books chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm 2020. Giữa tháng 7-2021, công ty bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19, nên doanh thu bán hàng online giảm mạnh.
Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm 2020, tháng 6-2021 tiếp tục giảm sâu, tháng 7 và 8-2021 doanh thu chỉ còn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hiện nay, số doanh nghiệp và cơ sở bán sách tạm dừng hoạt động tiếp tục tăng, đời sống của đại bộ phận nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có việc làm, nghỉ ở nhà, thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, tuy các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ nhưng NXB và doanh nghiệp vẫn phải trả toàn bộ chi phí liên quan, lãi vay ngân hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.
Phải xem sách là mặt hàng thiết yếu
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thu Hà, Quyền Giám đốc NXB Trẻ, hiện tại các cửa hàng sách của NXB Trẻ phải đóng cửa theo Chỉ thị 16. Trong 2 tuần vừa qua, NXB có thể giao hàng cho một số đơn vị nhưng đến hiện tại, việc giao hàng hầu như phải ngưng lại vì Bưu điện Thành phố không nhận hàng đi.
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất hiện nay là sách không được xác định là mặt hàng thiết yếu nên không được ưu tiên đưa đi các nơi, trong khi đó bạn đọc lại đang rất cần sách.
“Tuần vừa rồi, NXB Trẻ có gần 500 đơn hàng trên Lazada và Shopee, tuy nhiên đơn vị này không giao được hàng, các đơn vị gần như hủy đơn rất nhiều. Trong giai đoạn hiện nay, phải xác định sách là hàng hóa thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu cho bạn đọc, trong mùa dịch cũng như ngày thường. Nếu được xác định như vậy, chúng ta có thể đưa sách đến tay bạn đọc”, bà Phan Thị Thu Hà đề xuất.
“Khi phải ở nhà, bị bó hẹp trong bốn bức tường, không có hoạt động nào khác thì sách chắc chắn là hàng thiết yếu, giống một số nước như Bỉ, Pháp, Italy… đã công nhận. Khi chúng ta giải quyết được vấn đề này, đồng nghĩa với nút thắt cũng được tháo gỡ”, ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Nhã Nam, bày tỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kênh online, đang được xem là cách “cứu sống” cho ngành hiện nay. Theo ông, cần phải tính đến bài toán làm sao có thể đẩy mạnh Ebook bằng phương án có một đơn vị nào đó đủ mạnh để thực hiện phương thức này theo quy mô lớn và tập trung.
“Ngoài ra, chúng ta cũng cần cân nhắc đến loại hình Audiobook. Hiện nay, chúng tôi đang phát hành sách nói qua ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos, bắt đầu mang lại dòng tiền đầu tiên từ phương thức này”, ông Hùng cho biết.
“Cách đây một tuần, tôi đã trao đổi với Bộ Công thương về việc sách có phải là mặt hàng thiết yếu hay không. Ngày 11-8, tại cuộc họp của Chính phủ, tôi đề nghị Thứ trưởng Bộ Công thương trả lời về vấn đề này. Thông tin đáng mừng là cho đến giờ phút này, sách có thể được coi là mặt hàng thiết yếu. Bởi vì trước đây, khi đưa ra danh mục mặt hàng thiết yếu, có sự lúng túng trong tiêu chí. Còn hiện tại, Bộ Công thương chuyển sang hướng chỉ quy định mặt hàng cấm không được vận chuyển trong lúc giãn cách xã hội, trong đó không có sách. Điều đó có nghĩa là sách được vận chuyển bình thường”, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết. |