Đây cũng là một trong hàng loạt đồng thái để chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong thi tuyển công chức mà ngành chức năng Phú Yên đang triển khai.
Vừa qua, PV Báo SGGP nhận được nhiều đơn thư, phản ánh về các bất cập trong công tác thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên trước đây. Trong đơn của mình, bà Tr.T.T. (41 tuổi, đang làm việc tại Sở GTVT tỉnh Phú Yên) cho biết, từ tháng 9-2002, bà làm việc tại Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A, tỉnh Phú Yên. Tháng 4-2006 đến tháng 7-2019, bà T. công tác tại Phòng Quản lý người lái - Sở GTVT Phú Yên; thời gian đóng bảo hiểm xã hội liên tục 16 năm 11 tháng.
Vào kỳ thi cuối năm 2010 đến đầu 2011, Sở Nội vụ có thông báo về kỳ thi tuyển công chức, Sở GTVT cử bà T. và nhiều người khác đang làm việc ở Sở này cùng tham gia kỳ thi. Tại kỳ thi đó, có 2 hợp đồng (trong đó 1 hợp đồng là bà T. công tác từ tháng 4-2006) đang làm việc tại Phòng Quản lý Người lái, Sở GT-VT tham gia thi tuyển dụng công chức. Bà T. đạt kết quả cao hơn trường hợp còn lại nhưng vẫn không có quyết định trúng tuyển và không được công nhận kết quả thi.
“Cho đến nay, quyền lợi của tôi vẫn không được đảm bảo. Với sự cống hiến mẫn cán trong gần 2 thập kỷ, việc không được công nhận kết quả thi công chức đã ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống của tôi. Vì vậy, tôi kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên xem xét lại giúp tôi…”, bà T. kiến nghị.
Về việc này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Phú Yên thừa nhận, kỳ thi tuyển công chức năm 2010 – 2011, Sở có 2 biên chế cần tuyển dụng và có 8 người được cử đi thi trúng tuyển. Tuy nhiên, khi kỳ thi kết thúc thì không thể xét tuyển được ai hết vì năng lực và trình độ chuyên môn không phù hợp với lĩnh vực tuyển dụng.
“Bởi, kỳ thi của Sở Nội vụ trước kia không có nhiều quyền lợi cho người đi thi. Kỳ thi chỉ là một điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước hoặc đơn vị cần tuyển. Điều này đều phụ thuộc vào giám đốc sở, thủ trưởng đơn vị xét thấy không phù hợp và không đảm bảo năng lực thì không thể tuyển dụng…”, ông Đông lý giải thêm.
Ngoài trường hợp bà T., ở Sở GT-VT còn rất nhiều trường hợp tương tự cũng đang làm việc trong trạng thái bức xúc. Nhiều ý kiến đặt nghi vấn, liệu các kỳ thi tuyển công chức trước đây tại Sở GTVT và một số sở, ban ngành khác trong tỉnh có yếu tố bao che, lo lót, “xí phần” hay không?
Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi, ông Đông phủ nhận các nghi vấn trên và cho rằng do các kỳ thi trước đây cách thức thi chung nên phát sinh nhiều bất cập, nhiều lần Sở GTVT kiến nghị lên Sở Nội vụ và UBND tỉnh nhưng không được.
“Việc mới đây, Sở GTVT nói rằng Sở không có công văn đề nghị quyết định tuyển dụng công chức trong thời điểm đó là vô lý. Bởi, kỳ thi do Sở Nội vụ tổ chức, Sở GTVT cử chúng tôi đi thi rồi trở về không công nhận, không tuyển là sao? Vậy đi thi kỳ thi của Sở Nội vụ chỉ là hình thức, không có giá trị gì hết hay sao?”
Làm việc với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Phòng Tổ chức – Công chức – Viên chức (Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên) lại cho hay, trường hợp của Sở GTVT, có nhiều đơn thư khiếu kiện, khiếu nại lên nhiều cấp. Hiện tại, Sở GTVT đã có giải trình về việc tại sao đăng ký, cử người đi thi nhưng trúng tuyển lại không tuyển dụng.
Tuy nhiên, hiện tại, Sở GTVT Phú Yên lại không cung cấp được các hồ sơ pháp lý mà trước đây Sở này đã gửi lên Sở Nội vụ để đăng ký thi tuyển và danh sách thí sinh được cử đi thi. Bởi theo nguyên tắc, tại bất cứ kỳ thi nào do Sở Nội vụ tỉnh tổ chức đều theo yêu cầu, nguyện vọng của các sở, ban ngành và địa phương. Kết quả thi đã được UBND tỉnh công nhận và có giá trị pháp lý để tuyển dụng.
“Còn về năng lực bất cập, ngay từ đầu, lãnh đạo Sở GTVT phải đánh giá kỹ lưỡng các trường hợp. Nếu không đủ điều kiện thì chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không cử đi thi. Còn đã cử đi thì thì buộc phải tuyển dụng, lấy theo thang điểm từ cao xuống thấp đây là nguyên tắc. Còn thi về mà không tuyển thì buộc phải giải trình và phải có các hồ sơ minh cụ thể”, vị lãnh đạo Phòng Tổ chức – Công chức – Viên chức cho biết.
Được biết, ngoài Sở GTVT thì còn rất nhiều đơn vị khác tại tỉnh Phú Yên cũng đang vấp phải tồn tại trên và đều không cung cấp được hồ sơ pháp lý, chứng minh cụ thể. Sắp tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục gửi văn bản lần 2, nếu các đơn vị vẫn không cung cấp được các hồ sơ chứng minh để đối chiếu tính pháp lý thì Sở này sẽ gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết từ UBND tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, yêu cầu của Sở Nội vụ, ông Đông kêu khó thực hiện vì kỳ thi đã diễn ra gần 10 năm rồi, các hồ sơ đều “chất đống” trong kho lưu trữ.
Với các bất cập trên, ông Võ Đức Thơ cho biết, qua việc tổng rà soát, nếu thấy vướng mắc, bất cập chỗ nào thì sẽ yêu cầu đơn vị đó giải trình, cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý để trình lên UBND tỉnh xem xét giải quyết dứt điểm.
Chưa thể khắc phục sự cố Liên quan đến sự cố sai phạm trong kỳ thi tuyển công chức vào năm 2017 đến 2018 tại tỉnh Phú Yên, hiện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Yên vẫn đang tiếp mở rộng điều tra, xử lý vụ án. Trong vụ án này, hàng loạt cán bộ tại Sở Nội vụ và nhiều đơn vị khác ở Phú Yên bị khởi tố, dính vòng lao lý do đề thi bị lộ cùng nhiều vi phạm khác… Sau sự cố sai phạm ở kỳ thi công chức 2017-2018, Sở Nội vụ và UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức được thêm 2 kỳ thi công chức và nâng ngạch chuyên viên Đề cập đến sự cố trên, ông Võ Đức Thơ cho biết, do quá trình điều tra của cơ quan công an quá lâu nên gây nhiều khó khăn trong quá trình khắc phục sự cố, cũng như việc củng cố kiện toàn lại bộ máy của đơn vị. Hiện, nhiều cán bộ dính sai phạm đang bị tạm giam để điều tra vẫn còn đang hưởng lương 50% ở Sở Nội vụ nên chưa thể rút tuyển được người khác về để "trám" lỗ hổng… “Bây giờ cũng phải chờ kết luận cuối cùng của các đơn vị chức năng trong vụ án. Khi vụ việc được sáng tỏ, xác định được các lỗ hổng thì chúng tôi sẽ đồng loạt khắc phục các tồn tại, củng cố, kiện toàn lại đơn vị…”, ông Thơ nêu khó khăn. Cũng theo ông Thơ, trong quá trình Công an tỉnh Phú Yên đang điều tra, Sở Nội vụ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên chủ trì tổ chức được 2 kỳ thi tuyển công chức và thi nâng ngạch viên chức kết thúc khá thuận lợi. |