Trưa 27-3, căn nhà của chị Trương Hồng Nga ở ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Cà Mau) bị sụt lún, nghiêng và đổ hoàn toàn xuống lòng kênh đang trơ đáy, khô nước. “Đất ở đây nhiễm mặn. Năm nay nắng hạn khốc liệt, kéo dài, nước trong đất bốc hơi nhanh, kết cấu đất không chặt nên liên tục xảy ra sụt lún, sạt lở. Chính quyền địa phương đã cảnh báo, gia đình tôi cũng đang lên phương án di dời nhưng chưa kịp trở tay thì nhà đã bị lún và đổ xuống kênh”, chị Nga cho biết.
Ngoài nhà của chị Nga, trong tuần qua, tại ấp Kinh Năm (xã An Minh Bắc) cũng xảy ra 7 vụ sụt lún, sạt lở đất làm 7 đoạn của tuyến đường bê tông dọc Kinh Năm (dài gần 150m) vỡ vụn, 1 cây cầu bị sập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Toản, Bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc, cho biết, từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã có 1.759m của 19 tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 3 cây cầu, 1 nhà văn hóa ấp và 2 nhà dân bị sạt, hư hỏng hoàn toàn. Chính quyền và ngành chức năng địa phương đã phong tỏa các điểm, vị trí sạt lở, sụt lún, đồng thời vận động người dân đến nơi an toàn. Việc sinh hoạt, đi lại, vận chuyển nông sản của bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhiều người dân, chưa có năm nào hạn mặn khốc liệt như năm nay, thiệt hại đang tăng lên từng ngày.
Tại Cà Mau, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, chia sẻ, hơn một tháng qua, ngày nào ở địa phương cũng xảy ra sụt lún, sạt lở đất. Trung bình mỗi ngày phát sinh 5-10 vị trí sụt lún, sạt lở. Tính đến ngày 29-3, tại huyện Trần Văn Thời có hơn 590 vị trí sạt lở, sụt lún với chiều dài 15.600m, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đơn cử, tuyến đường bờ Nam kênh Quảng Hảo bị sạt lở nghiêm trọng, đi lại rất khó. Xe tải vào đây phải đi vòng bờ Bắc kênh Quảng Hảo, mất nhiều thời gian. Dù hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng địa phương không thể đưa phương tiện cơ giới vào khắc phục vì dễ gây sạt lở thêm.
“Không còn cách nào khác, bà con phải sống chung với khó khăn, đợi đến mùa mưa khi các tuyến kênh, rạch đầy nước mới có thể gia cố, sửa chữa, nâng cấp”, ông Trần Tấn Công cho hay. Chưa kể, người dân còn thiệt đơn thiệt kép do đang trong vụ thu hoạch lúa, lợi dụng điều này nên nhiều thương lái ép giá nông dân, thu mua với giá thấp. Thời tiết cực đoan, sản lượng không cao giờ còn phải bán rẻ.
Tình trạng sụt lún, sạt lở làm mất đất sản xuất, hư hỏng nhà cửa, đường giao thông, công trình… cũng đang phát sinh nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh ven biển Tây Nam bộ khác như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh…
Ông Đào Huy Hiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, thông tin, sở vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng trên đường ĐT965 thuộc đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng.
Với các khu vực, vị trí sạt lở còn lại, sở đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương, lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như lắp bảng báo hiệu đường sạt lở, gắn đèn báo hiệu và giăng dây tại vị trí sạt lở để cảnh báo; bố trí người trực tại hiện trường để hướng dẫn phương tiện lưu thông; hàng ngày, kiểm tra, xử lý các điểm sạt lở mới… Sở cũng lên kế hoạch khắc phục các vị trí, điểm sạt lở với tổng kinh phí 10 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2025.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở đất hiện nay là hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Về lâu dài, Cà Mau cần đầu tư xây dựng 177 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí trên 31.000 tỷ đồng, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ đồng.