“Nhà đó ngày nào cũng ăn nhậu, ca hát bất kể giờ giấc. Chưa kể, mỗi lần có đám giỗ, đám tiệc gì là bày bàn ghế la liệt chiếm gần hết con hẻm, vậy chứ ai mà lên tiếng là có chuyện ngay”, một cư dân trong khu phố 3 nói với chúng tôi.
Trường hợp như trên không phải là hiếm ở các địa bàn dân cư. Điều đáng nói ở đây là gia đình ông H. có đến 3 người là cán bộ, công chức, đảng viên đang sinh hoạt, công tác ở các đơn vị, cơ quan Nhà nước.
Thiếu gương mẫu ở địa bàn dân cư
Riêng ông H. là đảng viên, cán bộ hưu trí về sinh sống ở địa bàn hơn 5 năm nay với nhiều biểu hiện trong sinh hoạt gây phiền hà đến bà con lối xóm. Lúc đầu, có người đến góp ý thì bị mấy người con ông H. trợn mắt quát: “Trong nhà, tôi muốn làm gì thì làm chứ, ảnh hưởng gì đến các người”.
Một trường hợp khác, căn nhà cấp 4 của bà Nh. ở cuối hẻm 333 Lê Văn Sỹ (phường 13, quận 3) mấy ngày nay được phá dỡ đi xây lại, với giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế 5 tầng lầu được treo trên hàng rào trước nhà. “Bà này lấy tiền đâu mà xây nhà to thế. Nghe nói bà ấy vừa mua căn hộ chung cư cao cấp bên Phú Nhuận cho con gái ra riêng”. Đó là lời bàn tán của người dân mỗi khi đi ngang qua nhà bà Nh.
Người dân ở đây ai cũng biết, nhà bà Nh. sống ở địa bàn từ lâu với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cũng bình thường như các gia đình khác trong hẻm. Từ cách nay hơn 2 năm, người con gái lớn bà Nh. nghe đâu được bổ nhiệm lên trưởng phòng ở một quận nọ...
Trường hợp trên là hiện tượng cũng không hiếm ở các địa bàn dân cư mà người dân đều biết và bàn tán với nhau về sự giàu lên bất thường của những cán bộ, công chức, đảng viên. Nhiều hiện tượng khác như nhà ông B. ở khu phố 7, phường Thới An (quận 12), ông H. ở khu phố 3, phường 5 (quận 10), bà B. ở khu phố 1, phường Tân Định (quận 1) thường xuyên vứt rác, xả nước thải ra đường, người dân trong khu phố nhắc nhở nhiều lần vẫn vậy.
Ông H. còn có lần thẳng thừng từ chối khoản đóng góp 200.000 đồng để lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng trong khu phố, vì cho rằng: “Nhà nước có ngân sách làm rồi, sao còn thu tiền của dân”… Rất nhiều chuyện khác nữa về đạo đức, lối sống sinh hoạt thiếu gương mẫu của những cán bộ, công chức, đảng viên sinh sống ở địa bàn dân cư được người dân phàn nàn, bàn tán với nhau trong khu phố, vì chẳng biết nói ở đâu, hay phản ánh cho người có trách nhiệm nào. Có trường hợp ông Tr. ở khu phố 3, phường Tân Kiểng (quận 7), trong một cuộc họp tổ dân phố đã đưa chuyện bà Th. - đảng viên, công tác tại một đơn vị trên quận - hay kiếm chuyện cãi vã với hàng xóm, gây mất trật tự khu phố. Biết chuyện, bà Th. đến nhà ông Tr. gây ầm ỉ, lớn tiếng nói ông Tr. là “nhiều chuyện, liệu đấy”…
Kết quả giám sát còn khiêm tốn
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 23-10-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về giám sát cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn dân cư, nhìn chung đa số cán bộ, công chức, đảng viên đang sinh hoạt, công tác tại phường - xã - thị trấn và ấp, khu phố có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; quan tâm gắn bó với nhân dân, tự giác phấn đấu, rèn luyện giữ gìn phẩm chất của người cán bộ, công chức, đảng viên.
Hàng tháng, vợ chồng bà Nguyễn Ánh Thúy (đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng ở phường 15, quận 10) trích lương hưu nấu cơm từ thiện giúp người nghèo. Ông bà là tấm gương để người dân trong khu phố học tập
Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng nhìn nhận, kết quả giám sát đạt được những năm qua còn khiêm tốn. Toàn TP có 9 quận, huyện gồm: quận 2, 4, 6, 8, 11, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh và huyện Củ Chi phát hiện, kiến nghị Đảng ủy, chính quyền xem xét xử lý 26 trường hợp cán bộ, công chức, đảng viên có vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu về đạo đức, lối sống, sinh hoạt Đảng, bạo hành trong gia đình, có cử chỉ thiếu tôn trọng dân, giải quyết công việc chậm để dân đi lại nhiều lần, sinh con thứ 3, chiếm dụng các khoản đóng góp của nhân dân…
Điều đáng nói là nội dung giám sát cán bộ, công chức, đảng viên về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì không phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Hay hành vi ăn chơi xa hoa, tiêu xài lãng phí, có quan hệ nam nữ bất chính, có con ngoài giá thú…, đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm ngay tại địa bàn mà cán bộ, công chức, đảng viên cư trú.
Đánh giá về chức năng giám sát của MTTQ đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng rất khó thực hiện, do không có điều kiện thông tin về chủ trương giám sát, không thể vào các cơ quan, đơn vị để đặt vấn đề giám sát cán bộ, công chức, đảng viên; không nắm rõ tên tuổi, việc làm nên khó tiếp cận và phản ánh tình hình khi cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm; chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị để giám sát. Đối với cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang, cũng chưa có quy định cụ thể để MTTQ, các đoàn thể và nhân dân khi giám sát phát hiện có vấn đề thì yêu cầu đơn vị, cơ quan chủ quản cán bộ, đảng viên đó xử lý, trả lời.
Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ mặt trận quận, huyện và cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mặt trận, thiếu quan tâm cập nhật các văn bản pháp luật quy định đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, còn ngại đụng chạm, chưa dành thời gian thỏa đáng cho công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; còn lúng túng, chưa biết lựa chọn đối tượng để tập trung giám sát.
(Nguồn: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM)