Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) ghi nhận sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong năm 2024, giúp kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển với tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%-7%, vượt mục tiêu đề ra (6%-6,5%).
Các ĐB cũng chỉ ra, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn thời gian tới, nhất là sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công.
Đầu tư công triển khai chậm, gây lãng phí
Trong 9 tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,82%. Tuy nhiên, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) lo lắng, doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường tăng, huy động nguồn lực xã hội yếu, giảm đi so với trước đây.
Thêm một lo ngại khác, theo ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn), phần lớn tăng trưởng xuất phát từ xuất khẩu và khai thác tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhận định, dù khai thác tài nguyên đóng góp lớn cho tăng trưởng ngắn hạn nhưng không bền vững vì tài nguyên thiên nhiên có hạn.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề xuất các giải pháp khuyến khích tiêu dùng nội địa, gồm việc giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng trợ cấp xã hội. Điều này sẽ giúp tăng sức mua của người dân, khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, giúp bảo vệ DN trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu trên các sàn thương mại điện tử.
Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (51,38%). Nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian giải ngân hoặc điều chuyển, trong khi nhiều dự án lại chờ vốn.
ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nhấn mạnh, tình trạng này làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và lãng phí cơ hội phát triển. ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) phân tích tình trạng này gây nên lãng phí lớn và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Theo ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM), nền kinh tế hấp thụ vốn vẫn còn yếu, đầu tư công chưa thực sự là dẫn dắt, vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân, chưa khơi thông hết nguồn lực xã hội.
Để giải quyết vấn đề, các ĐB đề nghị phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả. ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) kiến nghị thêm, quy trình và thủ tục đầu tư công cần được đơn giản hóa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn tài chính, duy trì hoạt động thực hiện các dự án đang triển khai.
Góp ý thêm vấn đề này, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng phải có sự thay đổi toàn diện về thể chế để tháo gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư công. Đồng tình quan điểm này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế là giải pháp cần thiết để đẩy mạnh đầu tư công và tư nhân. Chúng ta nên sớm xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật nhằm khơi thông nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư công. Đồng thời làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng các động lực mới.
Trao đổi lại với các ĐB, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Sớm có hướng dẫn thi hành các luật mới
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ chiều 26-10, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến vấn đề chống lãng phí. Tổng Bí thư chỉ ra cụ thể một số dự án vướng kéo dài nhiều năm, không triển khai, bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí mà không ai chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp không sử dụng đất đúng mục đích, Nhà nước cần thu hồi và xử lý theo quy định. Bởi đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân.
Đề cập đến đầu tư công, Tổng Bí thư nêu ra câu chuyện “có tiền mà không tiêu được”. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% là rất chậm. Hàng trăm, hàng ngàn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Vì vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh, khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng việc mà gỡ. Đồng thời phải phối hợp tháo gỡ, không chờ đợi nhau được.
Nhấn mạnh đến nguồn lực đất nước là không nhỏ nhưng sản xuất trong nước chưa tương xứng, chưa được phát huy, Tổng Bí thư trăn trở đây cũng là điều cần suy nghĩ để tìm đến tận gốc vấn đề.
“Tiềm năng phải tạo ra được của cải vật chất. Tôi rất sốt ruột, không thể chờ đợi, lỡ mất cơ hội”, Tổng Bí thư bày tỏ và phân tích, nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, vươn mình lên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã có hiệu lực; các nghị định, thông tư cũng đã có nhưng đến nay nhiều địa phương chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, do đó đề nghị HĐND các tỉnh thành phải sớm có hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới. Chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị.
Nguồn cung bất động sản dồi dào nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý. Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2). Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác dự báo, phòng chống thiên tai; quan tâm thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, bảo đảm giá cả hàng hóa; bảo đảm nguồn cung và giá cả ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phát triển điện lực để dẫn dắt đầu tư
Phát biểu tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội chiều 26-10 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, hạ tầng năng lượng là một trong những nhân tố dẫn dắt đầu tư, tạo cơ sở cho đột phá tăng trưởng.
Theo Tổng Bí thư, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư đều quan tâm đến nguồn cung năng lượng có đáp ứng yêu cầu hay không.
“Tính đủ điện là yêu cầu rất quan trọng, song cũng phải tính làm điện sạch, đáp ứng các cam kết quốc tế và công bố rõ ràng với thế giới để các nhà đầu tư yên tâm vào Việt Nam. Phải rất chủ động. Không thể chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm giải phóng mặt bằng, mấy năm tìm công nghệ. Thời gian không cho phép như thế. Chúng ta phải làm rất nhanh, làm đồng bộ các khâu”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này tăng 60 điều so với luật hiện hành, bao gồm các quy định, chính sách cho phát triển các lĩnh vực năng lượng mới. Nhiều cơ chế trong các nghị định, thông tư thực hiện ổn định lần này đã được luật hóa. Chẳng hạn, chúng ta đề cập nhiều tới điện gió ngoài khơi nhưng tới giờ không rõ ai, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định khảo sát biển, đo gió…
Luật sửa đổi lần này đã làm rõ hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các loại hình nguồn điện, trong đó có điện gió ngoài khơi. Dự thảo lần này cũng bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các nguồn điện này hiện nay. Quy hoạch điện VIII cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã được ban hành một năm nay nhưng tới giờ các nhà đầu tư vẫn “uể oải, nghe ngóng cơ chế, không dám làm” vì chưa rõ khi bỏ ra số tiền lớn đầu tư, sẽ thu hồi thế nào…
Bộ trưởng cũng nêu thực tế, dù lĩnh vực truyền tải điện đã “mở” cho đầu tư ngoài nhà nước song hiện chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề đầu tư, vì trong khi chi phí đầu tư lớn, giá truyền tải lại quá thấp (khoảng 5%-6% trong giá thành sản xuất, trong khi thực tế phải tương đương 30%-35%).
Giá điện sẽ tiến tới tính theo giá hai thành phần (điện năng và công suất), từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng; xây dựng khung giá điện theo giờ. Như vậy mới có thể thu hút nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực truyền tải.