Trong việc xử lý doanh nghiệp trốn đóng, gian lận BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc bóc tách trách nhiệm pháp nhân và cá nhân rất rõ ràng.
Tội gian lận BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214, Điều 215) không áp dụng với pháp nhân, mà áp dụng với cá nhân. Hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 216 áp dụng cả với pháp nhân và cá nhân.
Với pháp nhân, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 50 triệu đồng, phạt 3 tỷ đồng với hành vi trốn đóng BHXH trên 1 tỷ đồng.
Số tiền phạt có khi còn cao hơn số tiền doanh nghiệp trốn đóng BHXH, thật sự là mức phạt có tính răn đe. Đưa pháp nhân thương mại để xử phạt tiền vì trốn đóng BHXH cũng là một sự tiến bộ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khó khăn thực sự là xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà lại gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để trốn đóng (Điều 216).
Chúng ta cũng cần xem xét khách quan, hiện nay, tỷ lệ đóng các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta là 32% mức lương, một tỷ lệ cao tương ứng số tiền quá lớn đối với doanh nghiệp.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ mới cố gắng trả lương cho người lao động và chưa có tiền nộp BHXH.
Trong tình trạng nợ BHXH nhiều như hiện nay, phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) thật không dễ. Chẳng hạn, nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền BHXH, thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, sự gian dối dễ được chứng minh.
Còn việc dây dưa nợ đọng, chậm đóng BHXH có thể vì khó khăn chung - và vì lợi chung của doanh nghiệp, chứ không riêng cá nhân nào - trong bối cảnh doanh nghiệp chịu quá nhiều áp lực bởi thuế, BHXH, các chi phí “bôi trơn” không chính thức…
Như vậy, ranh giới giữa nợ BHXH vì khó khăn khách quan và trốn đóng BHXH vì gian dối (để quy vào phạm tội hình sự) đang khá mong manh. Nhìn ở góc độ khách quan như thế, nên dù áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, song cơ quan chức năng cũng khó có thể mạnh tay xử lý hình sự chủ doanh nghiệp nợ BHXH.
Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, nhưng mãi đến ngày 15-8-2019 mới có hướng dẫn cụ thể thực hiện các Điều 214, Điều 215, Điều 216 và đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý theo 3 điều trên, đã cho thấy phần nào sự chưa mạnh tay đó.
Sự cẩn trọng của cơ quan chức năng để chứng minh sự “gian dối” của cá nhân trong doanh nghiệp là cần thiết, bởi nếu không, chủ doanh nghiệp có thể sẽ… đi tù hàng loạt, vì nợ BHXH.