Làng san hô Nhơn Hải thuộc xã bán đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định, nằm lọt thỏm giữa eo núi Phương Mai trải dài ven biển, nơi có hòn đảo kỳ dị, trụi lủi gọi là Hòn Khô. Đúng như tên gọi, Hòn Khô quanh năm… khô quắt, thế mà nơi tưởng chừng thiếu sức sống này lại đang trở thành “hòn vàng, hòn bạc” của gần 5.700 cư dân miệt biển.
Ngồi ngắm từng con sóng vỗ bờ, bà Trần Thị Bảy (63 tuổi, ngụ xã bán đảo Nhơn Hải) trầm trồ không ngớt: Cũng lạ, đảo trên mặt thì khô khốc, không có cây cối gì sống được nhưng dưới đáy đảo, cá tôm vô kể, như: thu, tôm hùm, cua, ghẹ xanh… Mũi đảo này đã “đẻ vàng, đẻ bạc” cho cả làng no ấm. Vào mùa gió bão thì thân và vai đảo lại chắn mưa gió cho làng…
Những năm trở lại đây, Hòn Khô trở thành điểm đến hút khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Mùa khô, nhất là tháng 5 - tháng 6 hàng năm, ở vùng biển đáy đảo, thủy sinh, rong mơ, san hô bắt đầu hồi phục, tạo thành những mảng màu vàng xanh lung linh dưới đáy biển.
Giữa bãi rong, những đàn cá chuồn bay lượn, tôm và mực phụ họa làm cho cả vùng biển trở nên quyến rũ, say lòng du khách. Những lúc đó, du khách nườm nượp đổ về, dân làng không ngơi tay - người làm dịch vụ, người chở ca nô đưa khách lặn ngắm san hô, bãi rong, người buôn hàng bán nước, mở quán ăn, chạy xe thồ… Ai nấy đều có thu nhập khá.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, du lịch và thủy sản Nhơn Hải, chia sẻ: Nhờ du lịch cộng đồng phát triển mà nay ý thức người dân về môi trường rất tốt. Họ rất có trách nhiệm với cảnh quan, sinh thái, sinh vật biển. Làng đang bảo tồn bãi rùa đẻ và khoảng 13,8ha rạn san hô phục hồi rất tốt làm bãi đẻ cho cua, cá.
TP Quy Nhơn còn có làng biển Nhơn Lý (xã Nhơn Lý) nổi danh với 2 “hòn ngọc xanh” là Eo Gió và Kỳ Co hút hồn du khách. Ngược ra miền ngoài, làng biển Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nổi trội bởi cảnh sắc 2 dải núi kéo dài ra biển tựa 2 con trâu rừng nằm nghỉ.
Hay làng cổ Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, “đóng đô” giữa vùng trầm tích văn hóa Sa Huỳnh xưa. Năm 2017, làng biển cổ Gò Cỏ - lõi văn hóa Sa Huỳnh, ứng dụng mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng lấy phát triển giá trị nhân văn, nhân bản làm nền tảng.
Xuôi vào miền trong, từ TP Quy Nhơn, ven theo cung đường ven biển tuyệt đẹp Quy Nhơn - Sông Cầu nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, chúng tôi đến làng Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên, đang sở hữu quần thể san hô biển Hòn Yên - nơi ngắm san hô đẹp nhất Việt Nam, được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Ông Trương Tấn Lai, cư dân trong làng, kể, mấy năm qua, Quỹ Môi trường toàn cầu đã tài trợ 3,2 tỷ đồng giúp làng thực hiện dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Làng lập ra tổ bảo vệ san hô, tổ thuyền thúng, tổ dịch vụ - hướng dẫn du lịch và tổ môi trường. Tất cả cùng bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan, nhất là khu san hô 12,7ha để cùng “hưởng lộc” từ mẹ thiên nhiên, từ ngành công nghiệp không khói - du lịch xanh, giúp đời sống người dân ngày càng đủ đầy, hạnh phúc!