Series phim múa rối nổi tiếng Thunderbirds của Gerry Anderson là chương trình đầu tiên sử dụng đồ chơi trên truyền hình. Kể từ khi được phát sóng lần đầu tiên vào những năm 1960, hơn 3.000 sản phẩm liên quan đến series phim này đã được tạo ra. Chỉ trong năm đầu tiên xuất hiện, những sản phẩm này đã tạo ra số tiền tương đương gần 250 triệu USD theo thời giá ngày nay.
Kể từ đó, đồ chơi sưu tầm trở nên rất có giá trị và một trong những hội chợ sưu tập đồ chơi lớn nhất diễn ra tại TP Birmingham. Ông Dave Hinett, một nhà sưu tập và buôn bán đồ chơi, chia sẻ: “Khi thấy một món đồ chơi mà bạn sở hữu thuở 3-4 tuổi, những ký ức tuổi thơ sẽ ùa về với bạn”. Một trong những thương hiệu đến thời điểm hiện tại vẫn đang giúp những người bán đồ chơi “hái ra tiền” là Star Wars, đặc biệt là những nhân vật hành động nguyên bản từ những năm 1980. Tại hội chợ ở TP Birmingham, một số tượng còn nguyên bao bì có thể được bán với giá lên tới 1.100 USD. Ông Hinett cho biết, có những ngày may mắn, ông có thể kiếm được rất nhiều tiền và số tiền kỷ lục ông có được trong một ngày là gần 10.000 USD.
Một món đồ chơi phổ biến khác là Action Man, một bản sao đồ chơi G.I. Joe của Mỹ. Món đồ chơi này được nhà sản xuất Palitoy tiếp thị ở Anh và Australia, đồng thời được cấp phép sản xuất ở nhiều quốc gia khác. Kể từ khi ra mắt vào năm 1966, Action Man - trong nhiều hình dạng và trang phục khác nhau, đã làm nhiều thế hệ trẻ em mê mẩn. Ông Chris Malbon là một nhà kinh doanh chuyên về Action Man và thậm chí còn hỗ trợ Bảo tàng Victoria và Albert danh tiếng ở thủ đô London, Anh trưng bày bộ sưu tập Action Man của mình. 46 năm qua, ông Malbon miệt mài với công việc mua bán Action Man, từng trả gần 2.500 USD cho bản Flying Space Adventure, rồi bán với giá hơn 6.200 USD chỉ 6 tháng sau đó. “Tôi sưu tập Action Man từ khi nó chẳng có chút giá trị nào. Trong hầu hết các hội chợ đồ chơi, Action Man luôn là món đồ cất dưới gầm bàn. Nhưng hiện nó rất được giá”, ông Malbon nói.
Hầu hết những đồ chơi này có thể được tìm thấy trên các trang đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, đây là một thị trường đông đúc và khó tìm được món đồ với giá hời khi người mua phải đấu giá với cả thế giới. Do đó, các nhà sưu tập đã đổ đến hội chợ đồ chơi với mong muốn “tìm kiếm những kho báu được ẩn giấu”. Ông Barry Potter, người tổ chức hội chợ sưu tập đồ chơi tại TP Birmingham, tin tưởng những nơi mua bán đồ chơi như hội chợ tại TP Birmingham sẽ luôn có một vị trí với những nhà sưu tập. “Một cảm giác hồi hộp thật sự khi không biết sẽ tìm được món đồ nào tại hội chợ. Chỉ ngay góc tiếp theo của hội chợ thôi có thể là món đồ chơi mà bạn đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay. Và có lẽ, đã đến lúc bạn cần lục lại hộp đồ chơi cũ để xem có kho báu nào được cất giấu hay không rồi”, ông Potter chia sẻ.