Qua nhiều thế hệ, từng lớp người Cor truyền tay dung dưỡng và nhân rộng loài cây quý hiếm này giữa đại ngàn. Từ việc bảo vệ rừng quế để giữ đất, giữ nước cho buôn làng, người Cor đã đưa quế đi xuất khẩu ra nhiều châu lục…
Còn quế, còn Cor
Người Cor ở huyện Trà Bồng vẫn đang gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn vựa quế khổng lồ lên đến 6.000ha dưới chân 2 dãy núi Cà Đam và Răng Cưa hùng vĩ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, người Cor vẫn quyết tâm giữ bằng được những rừng quế. Và nay, quế đã cho “quả ngọt”: được xuất khẩu, được thương lái khắp nơi lùng sục săn mua với giá rất cao. Vì thế, cả vựa quế đã trở thành “kho báu” mang về bạc tỷ cho buôn làng người Cor.
Làng Trà Voòng (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) nằm bên dãy Răng Cưa, nơi người Cor đang bảo tồn, lưu giữ một khu rừng quế trên 300ha. Cộng đồng người Cor ở làng Trà Voòng tiếp đón chúng tôi rất tự nhiên và vui vẻ. Những người đàn ông thân hình cao to, khỏe mạnh, nhận lời đưa chúng tôi vượt rừng nhiều giờ đồng hồ đến thăm “kho báu quế” mà họ đã cất giấu hàng trăm năm.
Già Hồ Văn Xuân đang sở hữu khu rừng quế trên 3.000 cây ở đỉnh Da Rak, kể: “Từ nhỏ, tôi đã nghe kể lại, cây quế vốn mọc trong rừng. Sau đó, một loài chim rừng ăn quả quế rồi mang hạt bay đến nơi đồng bào người Cor sinh sống để nhả hạt. Từ đó, tổ tiên người Cor xem giống cây thơm tho này là điềm may mắn nên truyền nhau lưu giữ hạt giống để nhân rộng ra nhiều khu rừng khác. Nhờ vậy mà hôm nay khắp các bản làng người Cor ở dưới dãy núi Cà Đam, Răng Cưa này mới có nhiều rừng quế như vậy. Bây giờ rừng quế đã trở thành “kho thóc” của cả làng Trà Voòng rồi. Quế bán đắt giá, dân cứ vào rừng là có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. Không chỉ mang lại kinh tế cao mà rừng quế còn giúp dân làng gầy dựng lại rừng già sau chiến tranh để giữ đất, giữ nước”.
Ông Hồ Văn An (70 tuổi, làng Trà Voòng) đang giữ 4.000 cây quế ở đỉnh Da Rak kể thêm, có đoạn quế rớt giá thảm hại, nhiều bản của người Cor đành phá lời thề, chặt bỏ rừng quế để trồng rừng mới. Rừng quế lụi dần, rừng keo tràm mọc lên, xâm lấn cả rừng phòng hộ. Trong lúc đó, nhiều bản làng của người Cor ở đầu nguồn vẫn quyết tâm dù sống khổ cũng phải giữ lấy rừng quế, ngăn cấm không cho ai xâm phạm…
“Cây quế là xương thịt, máu mủ của người Cor. Còn quế thì còn Cor mà hết quế thì hết Cor. Ở dưới đồng bằng, người Kinh giữ vàng, lấy vàng đổi chác làm giàu thì người Cor dùng quế đổi hàng, trâu, bò, gà, thóc...”, ông An ví von.
Cách bên khu rừng quế làng Trà Voòng không xa có rừng quế làng Cả (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) với khoảng 500ha. Ở làng Cả, có các hộ ông Hồ Văn Tiến (68 tuổi), Hồ Văn Út Vái (72 tuổi) đang sở hữu những khu rừng quế cổ thụ lên đến cả chục ngàn cây.
Ông Út Vái nói: “Quế Trà Bồng có mùi thơm đặc biệt, dầu nhiều và chất lượng tốt không ở đâu bằng. Quế phải trồng lớn được 7 tuổi mới cho thu hoạch liên tục. Mỗi năm, cây quế cho vỏ 2 lần. Dân làng đặt là mùa tiên (từ tháng 2-4) và mùa hậu (tháng 5-6 âm lịch). Quế bán vỏ hoặc lấy thân, cành, lá, quả… thứ gì cũng có tiền hết”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, người Cor ở huyện Trà Bồng là một tộc người rất tiến bộ, có bản sắc văn hóa sâu đậm. Cộng đồng người Cor cần cù lao động sáng tạo, biết tận dụng và khai thác các giá trị của tự nhiên. Qua nhiều thế kỷ, người Cor đã gắn bó, gìn giữ giống cây bản địa quý hiếm để khai thác và làm thương mại. Đặc biệt, người Cor rất yêu nước, họ đã giúp Đảng bộ Quảng Ngãi phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và một số huyện phía Tây tỉnh đi đến thắng lợi vẻ vang vào năm 1959. Hiện, Quảng Ngãi đã và đang nghiên cứu một số dự án giúp người Cor trồng quế có chất lượng và hiệu quả hơn, để khai thác hết các thế mạnh của giống cây quý giá này. |
Quế xuất khẩu cả ngàn năm trước
Một lần trò chuyện chúng tôi, TS Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi tâm sự, dựa theo nhiều bằng chứng khảo cổ và các nghiên cứu văn hóa để lại, hơn 1.000 năm trước, quế của người Cor ở Trà Bồng đã xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới, như: Ả Rập, Bồ Đào Nha, các nước Tây Á, Đông Âu… và cả Trung Hoa.
“Vào năm 2007, khi đến thăm Quảng Ngãi, chuyên gia dân tộc học nổi tiếng người Pháp Georges Condominas kể rằng, thời ông cố của ông từng đến làm việc tại vùng Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng. Theo tài liệu mà ông cố ông để lại: Thế kỷ VI, quế của người Cor đã xuất khẩu đi nhiều nước ở Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập… Chính những thương gia người Hoa trước đây đã khai phá được giá trị của cây quế của người Cor Trà Bồng để đưa ra giao thương, buôn bán”, TS Vũ kể.
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Bồng, hiện có khoảng 6.000 hộ người Cor trên địa bàn huyện đang trồng khoảng 6.000ha quế, trong đó 2.000ha đang cho khai thác. Quế bán tươi khoảng 28.000 đồng/kg và khô khoảng 58.000 đồng/kg. Quế được trồng tập trung nhiều nhất ở các xã Hương Trà, Trà Tây, Sơn Trà, Trà Thanh, Trà Thủy, Trà Sơn… Sản lượng khai thác hàng năm 2.000 tấn (lá, cành, vỏ)/năm. Hiện, quế Trà Bồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục về chỉ dẫn địa lý. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đặc sản quế Trà Bồng xác lập kỷ lục châu Á, đánh dấu cơ hội lớn để đưa giống cây quý của người Cor vươn rộng ra thế giới… Vài năm nay, vào vụ quế, cộng đồng người Cor ở huyện Trà Bồng có thể thu về trên 100 tỷ đồng.