Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn”. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững”, đặt trong thời hậu đại dịch Covid-19 lại càng trở nên có ý nghĩa sống còn.
Nhìn lại diễn biến của biến thể Delta trong hơn 4 tháng qua tại TPHCM nói riêng và đang đe dọa nghiêm trọng khu vực các tỉnh thành miền Tây Nam bộ hiện nay để thấy, sức tấn công của virus lên người, động vật, thực vật, kể cả vi khuẩn là không dừng lại, nhất là trong môi trường sinh dưỡng hiện nay. Trong đó, virus cúm là “ứng cử viên” hàng đầu cho việc gây ra đại dịch toàn cầu.
Ngày 8-10, tại lễ tri ân đoàn công tác tăng cường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tiếp tục đưa ra những cảnh báo của các nhà khoa học về việc chưa đoán định được sự nguy hiểm đến mức nào của biến thể Delta và biến thể mới đang xuất hiện ở một số nơi trên thế giới. Chúng vẫn tiếp tục tìm nơi sinh sôi, biến đổi để “thoát” khỏi sự chống trả của con người như vũ khí vaccine, thuốc đặc trị, giãn cách để cắt đứt đường lây nhiễm. Con người, sau cuộc chiến sinh tử đã kịp khiêm nhường nhận ra không thể triệt tiêu biến thể Delta và biến thể mới, mà tìm cách chung sống với nó; càng nhận rõ hơn những điểm yếu trong hệ thống “miễn dịch” xã hội vốn tích tụ từ trong hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, tích hợp dữ liệu, chính sách an sinh…
Rõ ràng, trước khi chúng ta có sự điều chỉnh để chuyển từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn”, biến thể Delta đã tác động không nhỏ đến sự đứt gãy chuỗi hoạt động kinh tế - xã hội khi những “dùng dằng” ở giai đoạn đầu khi truy vết, xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm cũng như số ca F0, F1 quá lớn để cách ly tập trung. Chỉ đến khi chuyển đổi -hình thành 4 trụ cột mới là giãn cách xã hội - điều trị - vaccine - an sinh xã hội và tiếp tục điều chỉnh trong từng phân nhánh thích ứng, sát thực với mỗi địa bàn, diễn biến dịch bệnh, chúng ta mới phát huy hiệu quả, kiểm soát tình hình.
Những “phác đồ” phòng chống dịch bệnh có thể tác dụng ngay tức khắc với địa phương này nhưng có khi lại vô hiệu ở địa phương khác. Đặc thù của TPHCM đã cho thấy có những lúc nó “kháng thuốc”, nhất là bài toán giãn cách tại các khu nhà trọ chật hẹp, người tạm cư thu nhập thấp… Như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhìn và thấu rõ: “Sau chiến tranh, bão lũ, đại dịch thì vấn đề xã hội là cực lớn”.
Khiêm nhường trước thiên nhiên để tìm cách mà sống chung. Nhìn lại những đối đãi, thậm chí là ngược đãi môi trường sống khiến nó sản sinh, biến đổi những “vật chủ trung gian” tạo mầm bệnh gây thảm họa để thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên. Nhận diện những điểm yếu, lỗ hổng trong kết cấu hạ tầng xã hội và khả năng, kỹ năng ứng phó của con người để điều chỉnh phù hợp. Tất cả là một sự “bừng tỉnh” đầy khôn ngoan, trước khi quá muộn của nhân loại, cũng như của thành phố hơn 10 triệu dân của chúng ta vừa trải qua 5 tháng khốc liệt.