Sống tự lực
Lương Tuấn Cường (21 tuổi, quê ở Phú Thọ) là sinh viên khiếm thị năm nhất khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại, Tuấn Cường đang làm Phó chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, phụ trách mảng truyền thông cho CLB Khiêu vũ thể thao người khiếm thị (Solar Dances Club) và là thành viên của CLB Hoa Đá của trường.
Đôi mắt không còn sáng vì bị teo gai thị bẩm sinh, nhưng sự lạc quan và nghị lực phi thường đã giúp chàng thanh niên này vượt qua khó khăn để học tập, sinh hoạt. Nói về động lực để vượt khó, Tuấn Cường chia sẻ: “Mình đã từng nghe được, biết được những bàn luận trái chiều từ người thân, gia đình, bạn bè về những khiếm khuyết của mình và bạn bè mình. Dù tiếng nói của mình nhỏ bé, chỉ là một hạt cát giữa biển khơi, nhưng càng nhiều bạn đồng hành thì tiếng nói ấy càng lan truyền xa rộng hơn, để dần dần xã hội có sự bình đẳng, văn minh, tiến bộ hơn, giảm dần sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật. Cộng đồng người khuyết tật dần khẳng định được bản thân mình”.
Tuấn Cường hầu như phải tự lo cho cuộc sống của mình, bán sim thẻ, làm MC cho các sự kiện hội người khuyết tật, xây dựng kênh YouTube... Bạn tâm sự: “Cứ làm gì ra tiền mà không phạm pháp thì mình sẽ làm nếu có khả năng”. Vui hơn khi mô hình về điểm kinh doanh sim thẻ gói cước dịch vụ viễn thông của Tuấn Cường được Thành đoàn Hà Nội và Hội Người khuyết tật TP Hà Nội hỗ trợ sinh kế.
Chàng trai nghị lực này bộc bạch: “Càng tham gia hoạt động xã hội, được các anh chị đi trước góp ý, mình càng cải thiện được bản thân, tìm kiếm được giá trị sống có trách nhiệm, quyết đoán. Cuộc sống không thể tránh khỏi những góc khuất, nhưng mình phải tìm được lối đi khác, luôn suy nghĩ tích cực và tìm ra niềm vui cho bản thân. Giống như mình đã tìm đến báo chí, tìm đến MC, những hoạt động xã hội để tạo dựng cuộc sống có giá trị”. Với Tuấn Cường, khiếm khuyết không phải là rào cản cho việc tiến lên và phát triển của người khuyết tật, mà chỉ là một đặc điểm nhận dạng rằng bạn là người đặc biệt hơn so với người xung quanh.
Xây dựng nhiều dự án vì cộng đồng
Có rất nhiều bạn trẻ khuyết tật cùng lúc sinh hoạt ở nhiều CLB khác nhau đã và đang tổ chức nhiều dự án cộng đồng thành công. Gần đây nhất, dự án HANSD Project (Nâng cao năng lực truyền thông qua sản xuất phim) do CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Abilis Phần Lan, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực truyền thông của người khuyết tật, thay đổi nhận thức cộng đồng về năng lực của họ qua hình thức truyền thông - nghệ thuật phim ngắn. Trước đó, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về giới là một trong những hoạt động nằm trong dự án Hy vọng được thực hiện do CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội phối hợp một số tổ chức thực hiện, cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Tạ Bình An, 22 tuổi, Phó chủ nhiệm CLB Hoa Đá, kiêm Ban chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, chia sẻ: “Mình và CLB tổ chức nhiều chương trình, chuyến đi thiện nguyện để giúp đỡ mọi người. Ngày xưa mình hay nhận được sự giúp đỡ của mọi người, giờ mình đi giúp đỡ người khác, đúng như slogan của câu lạc bộ: “Hạnh phúc là sẻ chia, yêu thương là hành động”. Nhờ các hoạt động như gây quỹ, kêu gọi nguồn tài trợ từ các thầy cô, các nhà hảo tâm, cùng với sự liên kết với các CLB, các tổ chức liên quan, nhiều chuyến đi thiện nguyện đã được tổ chức, nhiều mảnh đời khó khăn được giúp đỡ và giá trị nhân văn được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các bạn trẻ khuyết tật dần được khẳng định bản thân mình, tìm thấy niềm vui khi giúp đỡ được những người yếu thế hơn mình”.
Nói về hoạt động của CLB Hoa Đá, chị Đặng Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, sự thay đổi tiến bộ của xã hội đã mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ khuyết tật thể hiện giá trị bản thân mình, dần xóa bỏ khoảng cách và sự phân biệt đối xử. Có rất nhiều bạn trẻ khuyết tật đang làm vai trò truyền cảm hứng cho một bộ phận gen Z trong cộng đồng.