Minh chứng rõ nhất cho những khó khăn của doanh nghiệp (DN), một cách ngẫu nhiên, thể hiện qua những số liệu được Tổng cục Thống kê công bố đúng vào ngày 29-2. Cơ quan thống kê quốc gia cho biết, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.100 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng là 63.000 DN, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cải cách môi trường kinh doanh luôn là vấn đề được Chính phủ chỉ đạo thường xuyên. Chính phủ đã có nhiều hoạt động thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hàng loạt nghị quyết, chỉ thị. Các bộ vẫn đang triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020; tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ hàng năm đều thực hiện rà soát để bãi bỏ, sửa đổi các quy định bất hợp lý. Kết quả là từ năm 2021 đến cuối năm 2023 đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa được 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật…
Song bên cạnh những mặt thuận lợi hơn (tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi…) thì một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá. Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phản ánh, nhiều vướng mắc mà DN phản ánh từ lâu vẫn chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản mới ban hành hoặc đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới. Đơn cử, Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu DN vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi, trong khi đó DN có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn.
Điều này cũng gây khó khăn cả cho cơ quan quản lý, khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email. Ví dụ khác là Luật Giao dịch điện tử 2023, có hiệu lực từ 1-7-2024. Luật này bổ sung ngành nghề “kinh doanh dịch vụ tin cậy” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có hoạt động kinh doanh “dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử” do Bộ TT-TT cấp phép; song theo Nghị định 52/2013/ NĐ-CP đang có hiệu lực thì “dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại” do Bộ Công thương cấp phép. Như vậy, DN kinh doanh ngành nghề “chứng thực dữ liệu điện tử” trong đó có “chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại” sẽ phải xin 2 giấy phép ở 2 cơ quan có thẩm quyền khác nhau và chịu sự quản lý của 2 cơ quan? Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết như thế nào? Nêu ra một bức xúc đã tồn tại 7 năm nay, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cho biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
Đây là quy định bất cập, không chỉ khiến cho các DN ngành lương thực - thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất; mà còn đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và có thể nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng (bắt tất cả những người đủ hoặc thừa vi chất phải ăn thực phẩm bổ sung vi chất). Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, trong đó có nội dung yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi… Có thể thấy nếu như việc ban hành các chính sách đúng đắn là điều kiện cần, thì nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách mới là điều kiện đủ để môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, thân thiện với DN.
Không phải không có lý khi đại diện DN mong muốn có thêm cơ chế xử lý các bộ, ngành, cá nhân chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, hướng đến mục tiêu siết chặt kỷ luật công vụ và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành; tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh trong xã hội.