Dẫn số liệu cho thấy số doanh nghiệp mới tăng chậm, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng rất cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, điều này không chỉ xuất phát từ những khó khăn khách quan mà còn có một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng: việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy không muốn giải quyết; khiến các nhà đầu tư nản lòng. “Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Vũ Hồng Thanh phản ánh.
Ở một tổ đại biểu Quốc hội khác, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng chỉ ra rằng, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ đã và đang xảy ra, rất cần khắc phục. Đứng đầu cơ quan theo dõi “sức khỏe” doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng xác nhận điều này. Ông nói, nếu không củng cố được niềm tin của doanh nghiệp, ổn định tâm lý xã hội và động viên được tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức thì mục tiêu tăng trưởng trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn sẽ rất xa vời. Để gỡ được “nút thắt niềm tin”, thiết nghĩ khâu đầu tiên vẫn là thể chế. Đúng như ĐB Trần Thị Hồng Thanh nhận xét, vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số… khiến cán bộ công chức không tự tin đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, mặc dù năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng trong quá trình giải quyết nhiều vấn đề chưa có trong luật hoặc “đụng chạm” các điều luật - dù đã lỗi thời - nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung thì rủi ro vẫn rất lớn. Việc luật hóa nghị định này để tạo ra “lưới đỡ” pháp lý vững chắc hơn, như đề nghị của một số ĐB, là hoàn toàn có cơ sở.