Tại sao không?
Sau thành công của bộ 3 tác phẩm: SuSu và GoGo đi Tokyo, SuSu và GoGo đi Paris và SuSu và GoGo đi Singapore, mới đây, nhà văn Dương Thụy tiếp tục ra mắt 3 tác phẩm tiếp theo, gồm: SuSu và GoGo đi London, SuSu và GoGo đi Athens và SuSu và GoGo đi New York. Sách tập hợp những câu chuyện sinh động, vui nhộn liên quan đến chị em SuSu và GoGo. Lồng ghép trong những câu chuyện này là những kiến thức, kỹ năng về du lịch dành cho các em nhỏ cũng như các bậc phụ huynh.
Phương Trinh là một tên tuổi từng gây ấn tượng ở mảng văn học thiếu nhi. Ngoài những đầu sách đã xuất bản, chị còn đoạt nhiều giải thưởng cao như: giải nhất Truyện ngắn Báo Mực Tím, giải nhất dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch”. Thời gian gần đây, chị chuyển sang viết truyện kết hợp kỹ năng sống.
Sau bộ sách Cùng bé yêu khám phá thiên nhiên, Bé vui khỏe, mẹ yên tâm (NXB Tổng hợp), Phương Trinh tiếp tục ra mắt bộ sách Vui khỏe mỗi ngày (NXB Trẻ), gồm 3 cuốn: Đi tìm kho báu, Cuộc phiêu lưu trong tủ lạnh và Nhà vô địch thật sự. Mỗi tập sách gồm 4 truyện ngắn, tái hiện cuộc sống của các em với những môi trường khác nhau, qua đó cung cấp cho các em những kỹ năng sống hữu ích liên quan đến sức khỏe. Bộ sách trở nên tin cậy hơn khi được thực hiện với sự tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khánh.
Nói về sự kết hợp này, nhà văn Dương Thụy chia sẻ: “Ngày nay, kỹ năng sống, kỹ năng trong quá trình học, nhất là giúp trẻ có suy nghĩ độc lập, không lệ thuộc vào người khác thực sự quan trọng và cần thiết. Muốn như vậy, trẻ phải có thói quen quan sát bên ngoài, quan sát những người xung quanh. Như vậy, trẻ sẽ tự tạo được những kỹ năng mà mình tự xây dựng. Điều đó rất tốt khi trẻ đọc sách, đi du lịch, hay lúc trao đổi, tương tác với người lớn, cha mẹ. Tôi viết bộ sách này cũng với mục đích đó. Kỹ năng là do trẻ tự tạo ra, thông qua việc trẻ nhìn thấy người khác thành công, hạnh phúc, trẻ sẽ bắt chước những người đó. Tự mình suy nghĩ, tự mình có trách nhiệm với hành động của mình. Đó là những kỹ năng độc lập”.
Nhà văn Văn Thành Lê, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng, cho biết: “Sách cho thiếu nhi, trong đó có sự kết hợp giữa văn chương và kỹ năng, hay văn chương và kiến thức, hoặc cả ba, là khá mới đối với thị trường sách trong nước, nhưng là bước đi cần thiết, phù hợp với độc giả nhỏ tuổi. Đặc biệt, sách dạng này luôn được đầu tư mạnh về mỹ thuật, minh họa màu, sinh động nên càng dễ được các bạn nhỏ đón nhận”.
Thêm cách tiếp cận mới
Khác với cách đọc sách văn học thông thường, việc kết hợp giữa văn học và kỹ năng sống đang được xem là mở ra một cách tiếp cận mới cho các em nhỏ: vừa đọc sách văn học vừa tiếp thu kỹ năng sống. Mặt khác, đa phần sách được đầu tư chăm chút về hình thức, nhờ đó tạo ra sức mua khả quan.
3 cuốn đầu tiên của nhà văn Dương Thụy đều được in với số lượng 3.000 cuốn/tựa; chỉ trong thời gian ngắn, bộ sách đã được tái bản với số lượng 2.000 cuốn/tựa. Ngoài bộ 6 cuốn của nhà văn Dương Thụy, thời gian qua, NXB Kim Đồng cũng tập trung đầu tư và khai thác dòng sách này như: bộ Tập tục quê em gồm 8 tập; bộ Hành trình biến đổi gồm 13 tập; bộ Vòng quanh thế giới 20 cuốn, một số cuốn in 4 lần với 12.000 bản. Nhờ được đầu tư về phần mỹ thuật với phần minh họa sinh động, dễ thương của họa sĩ trẻ Thông Nguyễn, bộ sách Kỹ năng ứng xử đến nay đã được in đến lần thứ 3 với 10.000 cuốn/tựa. Đây là số lượng mà rất ít tác phẩm thuần văn học hiện nay đạt được.
Lý giải về sức hút của dòng sách văn học kết hợp kỹ năng, nhà văn Dương Thụy cho rằng, nếu viết thành một cuốn sách kỹ năng riêng sẽ gây chán, không hay, mà các em cần có một câu chuyện. Có câu chuyện sẽ kích thích trẻ hơn, giúp trẻ đọc từ đầu tới cuối.
Còn nhà văn Trương Huỳnh Như Trân đánh giá, đây là hình thức rất hay để các độc giả nhí tiếp cận những kỹ năng sống cần thiết, những bài học ích lợi thông qua các câu chuyện thú vị. Chính các câu chuyện hay là đường dẫn rất tốt để bé tiếp nhận bài học một cách nhẹ nhàng, không cảm thấy bị “học bài”. Chị lạc quan: “Đây là một ý tưởng rất hay, thay vì viết về những bài học khô khan và áp đặt thì lại dùng câu chuyện để dẫn dắt. Bé mê câu chuyện thú vị sẽ tin luôn những bài học trong sách. Hai mục đích cùng đạt được trong một quyển sách: bồi dưỡng cảm xúc và cung cấp những kỹ năng, bài học giá trị cho bé. Việc kết hợp giữa văn học và kỹ năng là một xu hướng và sẽ được nhiều phụ huynh đón nhận”.