Hoạt động cầm chừng
Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) trước khi thoái hết vốn của Nhà nước, đã có nhiều năm là Đảng bộ vững mạnh của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM với nhiều mô hình, phương thức hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, từ đầu năm 2016 đến nay, Cadivi đã rơi vào tình cảnh hoạt động cầm chừng, số lượng đảng viên giảm mạnh, có nơi “trắng” đảng viên và cấp ủy Đảng.
Bí thư Đảng ủy công ty Nguyễn Văn Hiếu cho biết: HĐQT có một đảng viên là đồng chí tổng giám đốc, nhưng không nằm trong Đảng ủy nên rất khó thông tin tình hình, lãnh đạo tư tưởng cho đảng viên và quần chúng. Mức độ quan tâm của lãnh đạo Cadivi hầu như không có gì; vai trò của cấp ủy Đảng và đảng viên bị gạt ra ngoài hoạt động của DN, kể cả tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên. Các chi bộ và cấp ủy Đảng hầu như sinh hoạt cho có, đảng viên phân tán, không phát triển được đảng viên mới.
Nhiều đảng viên trước đây nắm giữ các vị trí lãnh đạo DN, nay không được tin dùng nên đã nghỉ việc, chuyển đi nơi khác; trong đó có Bí thư Đảng ủy - Tổng giám đốc Nguyễn Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng giám đốc Trịnh Quốc Toản và nhiều cán bộ chủ chốt của DN.
Ở các xí nghiệp trực thuộc công ty, lãnh đạo trưởng - phó các phòng ban, phân xưởng là đảng viên và cấp ủy Đảng, phần lớn bị chủ DN đảo chức, hạ chức, giáng chức, cho thôi việc…
Được Ủy viên Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM Võ Văn Yên giới thiệu đến Đảng ủy Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tìm hiểu về công tác Đảng tại đây sau khi thoái hết vốn nhà nước, chúng tôi nhiều lần liên lạc nhưng không gặp được ai.
Từ nhân viên bảo vệ, bộ phận lễ tân, đến người có trách nhiệm trực ở văn phòng, đều nói: “Giờ không biết mấy ông đảng viên ở đâu nữa”. “Thế văn phòng Đảng ủy làm việc ở đâu?”, chúng tôi hỏi.
Nữ nhân viên lễ tân nói: “Chú hỏi bộ phận khác thì biết, chứ còn tổ chức Đảng ở đây hình như không có”.
Chúng tôi gọi điện thoại vào số của đại diện Đảng ủy SABECO mà đồng chí Võ Văn Yên giới thiệu, nhưng không có người bắt máy.
Sau đó, một người quen nhắn lại: “Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, không muốn tiếp báo chí lúc này, chủ DN là người Thái Lan biết được sẽ không hay. Giờ công tác Đảng ở SABECO coi như bất động rồi, không hoạt động gì nữa đâu”.
Trước khi Nhà nước thoái hết vốn, Đảng bộ SABECO có 22 chi bộ, đảng bộ bộ phận với hơn 700 đảng viên. Nhưng nay, sau một năm chủ đầu tư người Thái Lan nắm quyền điều hành DN này, mọi hoạt động của tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên đều như “rút vào bí mật”, mọi thông tin liên lạc được thực hiện qua các mạng xã hội.
Một số đảng viên là lãnh đạo DN và tại các đơn vị trực thuộc xin nghỉ việc, hoặc chuyển đi nơi khác. Ngay người đứng đầu cấp ủy Đảng tại đây là Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tiến Dũng cũng không nắm rõ được hoạt động, công việc của đảng viên, cấp ủy Đảng ở dưới như thế nào, tương lai của một số đảng viên nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các đơn vị tới đây sẽ ra sao, còn tiếp tục làm việc nữa hay không…
Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương tại TPHCM, có khoảng 30% trong tổng số hơn 60 tổ chức cơ sở Đảng là DN cổ phần hóa thời gian qua hoạt động cầm chừng; cấp ủy Đảng, đảng viên phân tán, sinh hoạt không đầy đủ và phần lớn không còn giữ vai trò, vị trí trong các hoạt động của DN.
Giải thể tổ chức cơ sở Đảng
Từ năm 2015 trở về trước, Công ty CP Caric được xem là DN công nghiệp đóng tàu chủ lực của TPHCM lẫn Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (Bộ Công thương), với thời điểm có đến cả ngàn lao động kỹ thuật cao, đảng bộ có hơn 100 đảng viên.
Nhưng từ cuối năm 2014, khi Nhà nước thoái hết vốn tại DN này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị đình trệ, các đơn hàng sửa chữa, đóng mới tàu thủy ít dần; máy móc, thiết bị xuống cấp, hàng loạt công nhân nghỉ việc.
Bí thư Đảng ủy - Giám đốc công ty Mai Văn Trí thì “ngồi chơi xơi nước”, trao quyền cho chủ đầu tư mới điều hành chuyển hướng sản xuất, kinh doanh sang ngành nghề khác.
“Kể từ thời điểm đó, hoạt động của tổ chức Đảng ở đây coi như tê liệt, hàng loạt đảng viên bỏ sinh hoạt, cấp ủy các chi bộ ở dưới tự giải thể. Rồi đến lượt Đảng ủy ở trên cũng không còn ai, chính thức báo lên Đảng ủy Khối tự giải thể”, ông Mai Văn Trí xác nhận.
Đến Công ty CP Caric tại số 16 Đào Trí (phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM), thấy bảng hiệu DN vẫn treo trước cổng, chúng tôi hỏi và các nhân viên bảo vệ tại đây đều nói: “Tên Caric thì còn đó, nhưng công ty đã ngưng hoạt động từ lâu. Nay đã là chủ thứ mấy rồi, không còn đóng tàu, cũng không còn tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và công nhân đóng tàu nào nữa”.
Tại Công ty CP Giày Sài Gòn, từ cuối năm 2016, khi thoái hết vốn nhà nước tại DN này, một thời gian sau tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cũng tự giải thể.
Khi người lao động lên tiếng khiếu nại về quyền lợi của mình, đã không còn tổ chức nào đứng ra thay mặt họ đối thoại, kiến nghị chủ DN giải quyết, dù trên danh nghĩa vẫn có tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy và công đoàn, đoàn thanh niên.
“Khi không còn vai trò, vị trí gì ở DN thì có nói cũng chẳng ai nghe. Mà chủ DN họ đâu cần biết Đảng, công đoàn gì đâu. Ai làm được thì làm, còn không thì tự kiếm đường rút lui. Đảng, công đoàn ở DN thấy không hoạt động được gì cũng báo lên trên tự giải thể”, nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty CP Giày Sài Gòn Nguyễn Thị Lý nói.
Ngành dệt may thành phố nhiều năm về trước có hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Dệt Thắng Lợi, Đông Nam, May Việt Tiến, Hữu Nghị, Đông Phương, Tổng công ty May và thiết bị công nghiệp… giờ thì có DN teo tóp lại, hoạt động cầm chừng, có DN chuyển đổi sang hoạt động ở lĩnh vực khác, kéo theo là tổ chức Đảng, công đoàn, các đoàn thể cũng tự giải thể.
Trong đó, điển hình tại Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, sau khi Nhà nước thoái hết vốn, hoạt động của tổ chức Đảng tại đây chỉ duy trì được thời gian ngắn rồi cũng tự giải thể vì hơn 200 đảng viên nghỉ việc, chuyển đi nơi khác.
Theo Bí thư Đảng bộ Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM Lê Văn Quang, trong 4 năm trở lại đây, số tổ chức cơ sở Đảng thuộc các DN cổ phần hóa tự giải thể là hơn 30 đơn vị. Số chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ các DN cổ phần hóa giảm, hoặc giải thể cũng vào khoảng hơn 30.
Tới đây, khi đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước tại các DN chủ lực của ngành dệt may, cơ khí, thực phẩm… thì số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng hiện rất lúng túng trong việc định hướng mô hình, phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tế, nhất là đối với những DN nhà nước thoái hết vốn.
Trong đó, điển hình là tại SABECO, để duy trì hoạt động của tổ chức Đảng và xác lập vai trò của đảng viên trong DN, Đảng ủy SABECO đã xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, dịch ra 2 thứ tiếng, trình chủ DN xem xét, nhưng tới nay đã hơn một năm vẫn chưa thấy chủ DN trả lời đồng ý hay không đồng ý.
"Các cấp ủy Đảng cơ sở trong DN cổ phần hóa cần đổi mới phương thức lãnh đạo; từ lãnh đạo trực tiếp, toàn diện chuyển sang chủ động làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tham gia ý kiến với lãnh đạo DN thay đổi tư duy lãnh đạo kiểu hành chính hóa, văn phòng, bằng việc đi vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của DN, nhất là chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động. Nếu chậm đổi mới sẽ dần mất vai trò, tiếng nói trong DN và phải tự giải thể" Đồng chí PHAN THỊ HỒNG CHÂU Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM |