Cách làm này đã mang đến một đời sống mới cho những tác phẩm được xem là danh tác văn. Tuy vậy có những tác phẩm cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tái bản, mà Nho phong là một trường hợp như vậy.
Tác phẩm trên do Công ty MaiHaBooks liên kết NXB Thế Giới ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc cách đây không lâu, được mặc định là của nhà văn Nhất Linh. Tuy nhiên, theo tài liệu mà nhà báo Kiều Mai Sơn đang sở hữu, tác phẩm được ra đời vào năm 1926 và được ký tên là Nguyễn Tường Tam (tên thật của nhà văn Nhất Linh). Bút danh Nhất Linh được sử dụng cho các tác phẩm sau này, không phải cho tác phẩm Nho phong.
Việc MaiHaBooks cho in lại tác phẩm và tự động đổi tên tác giả Nguyễn Tường Tam thành Nhất Linh, dù thực tế hai cái tên là một, vẫn là một việc làm sai với tiền nhân. Bởi lắm khi, việc đề tên gắn với một tác phẩm nào đó là một dụng ý của tác giả, dẫu với lý do gì cũng cần phải có sự tôn trọng.
Ngoài tự ý thay tên tác giả, việc in lại tác phẩm Nho phong của MaiHaBooks còn là một việc trái ý của chính nhà văn, bởi đây là tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Tường Tam lúc còn sống không đồng ý cho in lại.
Điều này được thể hiện ngay trong “Lời nhà xuất bản” tại trang 7: “Kể từ bản in Nho phong lần đầu tiên năm 1926, sau gần 100 năm, chúng tôi mới có cơ hội xuất bản lại tác phẩm đầu tay của nhà văn Nhất Linh. Với mỗi tác giả, cuốn sách đầu tiên luôn luôn là một sự chập chững, thậm chí có thể chỉ là đôi ba dòng văn quá non nớt mà sau này khi nhìn lại tác giả sẽ muốn chối từ. Nho phong tuy không non nớt, “nhưng chưa thật sự là Nhất Linh”, cho nên nhiều năm sau này tác phẩm vẫn không được Nhất Linh đồng ý cho in lại”.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh tác phẩm Nho phong với những tác phẩm sau này, nhưng nếu cùng đặt cạnh một số tác phẩm cũng do nhà văn Nhất Linh sáng tác ở giai đoạn sau, cách Nho phong không bao lâu, sẽ nhận thấy những khác biệt rõ rệt. Điển hình là tiểu thuyết Đôi bạn, được ông sáng tác vào năm 1938 và hoàn thành sau đó 1 năm. Nho phong có cách kể chuyện đơn giản, thậm chí là thô vụng; trong khi đó, Đôi bạn lại là tác phẩm mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Có thể hiểu, vì đây là tác phẩm đầu tay, có lý do để chưa hài lòng nên nhà văn Nguyễn Tường Tam đã không muốn in lại, không muốn hậu thế biết đến tác phẩm này của mình.
Dù không còn bị ràng buộc về vấn đề bản quyền, nhưng việc “đánh tráo” tên tác giả, thêm vào đó, dù tác giả đã không muốn in lại nhưng vẫn cố tình in, cũng có thể xem là điều không hay với tiền nhân.