Từ vụ kiện bài thơ Gánh mẹ
Với ca từ ý nghĩa, bài hát Gánh mẹ của nhạc sĩ Quách Beem đã trở thành nhạc phim của Lật mặt 4 - Nhà có khách do ca sĩ - nhà sản xuất Lý Hải thực hiện. Tuy nhiên, bài hát trở nên ồn ào khi ông Trương Minh Nhật bất ngờ lên tiếng đây là bài thơ do ông sáng tác và tố cáo Quách Beem phổ nhạc mà không xin phép.
Sau đó, ông Nhật kiện tiếp Công ty TNHH Lý Hải Production, yêu cầu mức bồi thường thiệt hại 4 tỷ đồng đối với bài thơ được sử dụng trong nhạc phim của bộ phim nói trên.
Ông Nhật kể: “Lúc phát hiện bài Gánh mẹ của mình bị đánh cắp, tôi rất tức giận, đau lòng vì đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình; bấy lâu nay bị người ta sử dụng không hề xin phép để kinh doanh và rao giảng đạo đời. Tôi đã có 2 lần nói chuyện với vợ chồng ông Quách Beem.
Lần đầu gặp, tôi nhấn mạnh đây là bài thơ của tôi có đưa lên Facebook vào ngày 13-6-2014 và yêu cầu phải cải chính gắn tên tôi lên ca khúc Gánh mẹ, yêu cầu xin lỗi. Lần thứ 2, ngày 11-10-2019, Quách Beem xin lỗi, mong bỏ qua nhưng viện đủ lý do để không gắn tên tôi lên ca khúc.
Sau đó, họ đề nghị đền bù bằng cách sẽ hợp tác với tôi bằng một ca khúc Gánh mẹ bản gốc, gắn tên tôi và hưởng đầy đủ tác quyền. Tôi hy vọng họ biết sửa lỗi. Vậy mà, sau đó họ im lặng luôn cho tới hôm nay”.
với tên tuổi nhà thơ Phan Vũ mỗi lần công bố
Ngay sau khi bị phát hiện, Châu Đăng Khoa đã trần tình rằng, do thấy bài thơ “trôi nổi” trên mạng, không biết của ai để xin phép.
Hướng đến cách hành xử văn minh
Trên thực tế, không ít nhà thơ cảm thấy vui mừng khi tác phẩm của mình được phổ nhạc. Từ sự “kết giao” này nhiều bài hát được ra đời, trở thành những ca khúc được nhiều khán giả yêu thích.
Có thể kể đến như: Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang (phổ thơ Phan Vũ); Chị tôi của Trọng Đài (phổ thơ Đoàn Thị Tảo); Thơ tình cuối mùa thu của Phan Huỳnh Điểu (phổ thơ Xuân Quỳnh); Thơ viết ở biển của Phú Quang (phổ thơ Hữu Thỉnh)… Đa phần những sự kết hợp này đều mang đến một kết quả tốt đẹp, không bên nào phải vướng vào những lùm xùm không đáng có.
Một phần vì khi phổ nhạc, các nhạc sĩ thường liên hệ xin phép tác giả thơ, hoặc đều ghi nguồn rõ ràng. Đây được xem là cách hành xử văn minh và thượng tôn pháp luật, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne về sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật 15 năm nay.
Mới đây, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Có thơ được phổ nhạc là vui quá rồi” khi bài thơ Thu rơi của ông vừa được nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc. Đây không phải là bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được phổ nhạc, trước đó, ông có gần 100 bài thơ được các nhạc sĩ như Trọng Đài, Nguyễn Cường, Phan Huỳnh Điểu… phổ nhạc.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết, có nhiều nhạc sĩ sau khi đọc được thơ ông, đã chủ động liên hệ xin phép phổ nhạc. Cũng có trường hợp phải đến khi bài hát được công bố trên các phương tiện truyền thông ông mới biết. Tuy nhiên tất cả đều ghi nguồn thơ nên đến nay ông vẫn chưa có điều gì phải phiền lòng.
Cá biệt, có trường hợp nhạc sĩ Đình Thậm phổ 3 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chia “lộc” cho ông. Theo nguyên tắc lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 30-70, nhưng nhạc sĩ này vui vẻ chia cho tác giả thơ 50-50.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhìn từ góc độ hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay xảy ra trong nhiều lĩnh vực: biểu diễn ca nhạc, website, app, phát thanh - truyền hình, các dịch vụ kinh doanh có sử dụng nhạc… Do số lượng vi phạm nhiều và thường xuyên nên việc xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tác giả.
Cũng theo ông Cẩn, đối với các trường hợp cố ý xâm phạm quyền tác giả rất cần sự can thiệp, giải quyết triệt để của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm giúp cho môi trường kinh doanh giải trí, thị trường âm nhạc được lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hưởng thụ.
“Tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp; đa phần các vụ việc tranh chấp về bản quyền đều nhanh chóng bị lãng quên bởi tâm lý e ngại, sợ đụng chạm đến pháp luật của chủ thể bị vi phạm. Chính vì lẽ đó, dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm không xin phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao, hoặc thậm chí là chiếm đoạt quyền tác giả ngang nhiên mà không hề bị xử lý. Pháp luật đã có các quy định cụ thể để xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các chế tài xử lý, nhưng việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao”, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, cho biết. |